Đề xuất thu phí kiểm định khí thải xe máy: Lo ngại 'phí chồng phí'
Theo đề án của Sở GTVT TP.HCM , từ năm 2022 sẽ tiến hành thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe từ 5 năm trở lên nhằm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề xuất chi 553 tỉ đồng để thực hiện đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố".
Nội dung của đề án là kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe từ 5 năm trở lên.
Cụ thể là năm 2021 bắt đầu tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn về chính sách kiểm soát khí thải, đầu tư 88 trạm kiểm định.
Giai đoạn 2022 - 2023 duy trì 88 trạm kiểm định và thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên.
Từ năm 2024 - 2025 tăng thêm 78 trạm kiểm định và từ năm 2026 trở đi thực hiện kiểm soát khí thải đối với tất cả các xe gắn máy tại 13 quận trung tâm.
Trước thông tin này, nhiều người dân TP.HCM tỏ ra băn khoăn. Một số người cho rằng đề xuất này sẽ là phí chồng phí.
Trao đổi với VTC News, anh Huỳnh Đức Phú (nhân viên văn phòng tại Quận 1, TP.HCM) cho hay, TP có rất đông người lao động nhập cư, lượng xe máy rất lớn, số tiền 50.000 đồng/xe/năm tuy không lớn nhưng nhân đầu người là số tiền rất lớn. Trong khi đó đã có phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu, phí đường bộ,… thu như vậy là phí chồng phí. Anh Phú tỏ ra khá gay gắt cho rằng, thu phí có kiểm soát được lượng khí thải ra khi lượng xe máy ngày một tăng lên, vấn đề là kiểm định xe cũ hỏng thì bỏ chứ không phải thu phí từng người.
“Thật ra 50.000 đồng/xe/năm nó không đáng là bao hết, người ta sẽ đóng được nhưng người ta sẽ không thay đổi xe cũ đâu vì là kế sinh nhai. Nếu như xe quá cũ, thải ra khí vượt hạn mức cho phép thì nên tịch thu xe, hay đề nghị họ cải tạo lại xe thì hợp lý hơn là thu trên đầu người như vậy”, anh Phú nói.
Cùng quan điểm với anh Phú, anh Trương Thanh Long - một tài xế GrabBike cho biết: “Mình thấy không hợp lý, thu phí xong người ta vẫn chạy vẫn thải khí ra môi trường chứ người ta đâu có bỏ xe. Xăng đã thu một lần phí bảo vệ môi trường rồi, bây giờ thu thêm phần phí của xe máy nữa, phí chồng phí. Những người làm văn phòng không nói chứ những người thu nhập thấp không có nhiều, nhưng nhiều loại phí quá nó cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người ta”.
Theo chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long, TP.HCM mỗi ngày tăng cơ học 200 nghìn người, số lượng xe máy rất lớn, kiểm định khí thải mất rất nhiều chi phí. Vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được lượng xe cá nhân, có phương án xử lý xe cũ hỏng, xe không đủ tiêu chuẩn về khí thải. Nếu thu phí mà làm cho người dân ý thức hơn trong sử dụng xe, giúp bảo vệ môi trường thì làm, còn không sẽ lãng phí.
"Phải làm sao hạn chế được phương tiện cá nhân bằng việc nâng cao chất lượng phương tiện công cộng và hướng người dân sử dụng dịch vụ đó thì sẽ hạn chế được lượng khí thải", ông Long nói.
Cũng theo ông Long, thuế sử dụng để bảo vệ môi trường chưa sử dụng hết, mà sử dụng vào mục đích khác thì không nên. Hiện việc sử dụng hiệu quả ngân sách còn hạn chế, lãng phí, thất thoát, tham nhũng rất
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 9/2020, TP có hơn 7,4 triệu xe máy (chưa kể xe vãng lai). Khí CO và HC có hại cho sức khỏe phát ra từ xe máy hiện chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới. Đề án tính toán khi áp dụng kiểm soát, mỗi năm TP giảm hơn 56.000 tấn khí CO, 4.400 tấn HC thải ra môi trường.
Minh Phương