Thứ bảy, 20/04/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ năm, 10/06/2021 14:00 (GMT+7)

Huy động nguồn điện mặt trời tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, riêng tỉ lệ huy động nguồn điện mặt trời đạt 11,48 tỉ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 5/2021 đạt 23,98 tỉ kWh, đạt 104% kế hoạch. Lũy kế 5 tháng đạt 104,66 tỉ kWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tỉ lệ huy động một số nguồn chính như sau: 

Thủy điện đạt 24,01 tỉ kWh, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện than đạt 54,13 tỉ kWh, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tuabin khí đạt 13,28 tỉ kWh, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 12,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 12,35 tỉ kWh, tăng 159,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (riêng điện mặt trời đạt 11,48 tỉ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ).

Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Điện nhập khẩu đạt 556 triệu kWh, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 5/2021 ước đạt 19,67 tỉ kWh, tăng15,4% so với tháng 5/2020. Luỹ kế 5 tháng đạt 90,51 tỉ kWh, tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2020.

Huy động nguồn điện mặt trời tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020 - Ảnh 1
Trong 5 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Đặc biệt, vào cuối tháng 5/2021, các tỉnh miền Bắc, miền Trung bước vào giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C khiến lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 31/5/2021 là 850,3 triệu kWh với công suất đỉnh là 41.549 MW. Ngày 01/6/2021 tiếp tục lập kỷ lục mới với sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc là 880,3 triệu kWh, tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nóng.

Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng: trong 5 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 69,85%; tỉ lệ tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 90,95%.

Cung cấp dịch vụ điện trong 5 tháng đầu năm 2021, các Tổng công ty Điện lực đã tiếp nhận trên 3,92 triệu yêu cầu, trong đó số yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng chỉ chiếm tỉ lệ 0,65%; còn lại trên 3,9 triệu yêu cầu (tương ứng 99,35%) được tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công. Riêng tại Cổng Dịch vụ công quốc gia có gần 392.000 yêu cầu được tiếp nhận, tương ứng với 55,63% tổng số yêu cầu các dịch vụ của EVN đồng bộ hồ sơ lên Cổng.

Lũy kế 5 tháng năm 2021, EVN đã khởi công 40 công trình; hoàn thành đóng điện 49 công trình lưới điện 110 - 500kV.

Từ cuối tháng 4/2021 đã xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 mới ở nhiều tỉnh/ thành phố, số trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng tăng nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia, EVN đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện gấp các biện pháp cấp bách, ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh Covid-19 mới. Bên cạnh đó, EVN đã ủng hộ 400 tỉ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19. Tổng số tiền mà EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp, ủng hộ cho các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch của ngành y tế đối với riêng đợt dịch lần thứ 4 là gần 408 tỉ đồng.

Theo EVN, tháng 6/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 799 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 41.556 MW. EVN sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.

Khai thác các nguồn điện đảm bảo tối ưu đồng thời thủy điện – nhiệt điện; huy động thủy điện theo nước về, đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. Các Tổng công ty Phát điện đảm bảo khả dụng các tổ máy cao nhất có thể trong các tháng mùa khô của năm 2021. Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam.

Huy động nguồn điện mặt trời tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020 - Ảnh 2
EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô.

EVN cũng sẽ đôn đốc các đơn vị khắc phục khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và tiến độ đóng điện các công trình lưới điện quan trọng. Phấn đấu hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3) và đường dây 500kV đấu nối nhiệt điện Nghi Sơn 2...

Ngoài ra, trong tháng 6/2021, EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô, đồng thời chỉ đạo các Tổng công ty/Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24g để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. 

Tuy nhiên, để giảm bớt những khó khăn trong cung ứng điện, giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện (đặc biệt trong thời gian nắng nóng khi nhiệt độ ≥ 36 độ C các Công ty Điện lực không thực hiện cắt điện để sửa chữa), EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả (đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa từ 11g30p đến 15g và cao điểm tối từ 20g đến 23g) với nhiều biện pháp như: tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng, chỉnh nhiệt độ điều hòa ở 27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt; không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện…

Cẩm Hạnh

Bạn đang đọc bài viết Huy động nguồn điện mặt trời tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới