Thứ sáu, 22/11/2024 12:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/06/2024 14:31 (GMT+7)

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức

Theo dõi KTMT trên

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí đã và đang không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa.

Sự vươn lên mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội, truyền thông xã hội ngày càng tạo ra nhiều thách thức mới, đòi hỏi báo chí, đội ngũ người làm báo phải không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Đồng hành cùng sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc

Ngược dòng lịch sử, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức - Ảnh 1
Bác Hồ đọc báo Nhân dân tại chiến khu Việt Bắc.

Trong nước, báo chí là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. “Báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về vai trò của báo chí trong chuyến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức

Báo chí và truyền thông là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của tiến trình toàn cầu hóa. Những năm gần đây, lĩnh vực này hòa nhập nhanh vào quá trình chuyển đổi số. Một xã hội truyền thông với nhiều phương thức truyền tải hiện đại, đã và đang tạo ra cơ hội, triển vọng nhưng cũng tạo ra những thách thức to lớn. Sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như AI, công nghệ chuỗi khối…, đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức - Ảnh 2
Chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại. Ảnh minh họa nguồn internet.

Nói về thời cơ, cùng với đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, công cuộc chuyển đổi số báo chí còn có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển hạ tầng CNTT, truyền thông và viễn thông của Việt Nam nhanh, hiện đại… thuộc top 20 của thế giới cũng là cơ hội tốt cho chuyển đổi số báo chí. Hơn nữa, Việt Nam chưa bị trói buộc vào các công nghệ cũ nên có tiềm năng để ứng dụng các công nghệ mới giúp “đi tắt đón đầu”. Đáng nói, các cơ quan báo chí, người làm báo nhận thức rõ chuyển đổi số là sự sống còn của mình. Hiện nay không ít cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ tiêu biểu.

Những thuận lợi và thời cơ của chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức tổ chức, quản lý, quản trị, vận hành, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị cốt lõi của báo chí”, PGS. TS. Đinh Văn Hường, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định.  

Tuy nhiên, báo chí cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Khó khăn và thách thức đầu tiên là nhận thức, thái độ về vai trò, sự cần thiết của chuyển đổi số trong chính người làm báo. không phải tất cả những người có trách nhiệm và người thực thi hiểu thấu đáo được sự cần thiết, quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số báo chí. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực báo chí còn chưa đáp ứng yêu cầu cũng là vấn đề đáng quan ngại…

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức - Ảnh 3
Biên tập viên ảo dẫn chương trình trong các bản tin của Báo Lao Động. Ảnh: LDO.

Khó khăn, thách thức khác đến từ hạ tầng số cho các cơ quan báo chí. Nhìn chung công nghệ thông tin, truyền thông và viễn thông ở nước ta là tốt, nhưng hạ tầng số cho cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số thì chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư kinh phí cho báo chí đang là một trong những thách thức quan trọng của quá trình chuyển đổi số báo chí.

Đồng thời, thực tế hoạt động báo chí cũng đang nảy sinh rất nhiều vấn đề, diễn biến nhanh và khó kiểm soát. Theo đó, trí tuệ nhân tạo và công nghệ đã trở thành trợ lý ảo cho báo chí nhưng chúng ta lại đang đối mặt với nguy cơ tin giả, tin sai lệch do AI và các công cụ số khác tạo ra, thách thức bị sử dụng trái phép “vốn dữ liệu”, bản quyền báo chí trên môi trường số đang ngày diễn ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn…

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, song các chuyên gia đều thống nhất nhận định, chuyển đổi số chính là một lời giải cho đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, xuyên quốc gia, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng. Nắm chắc thời cơ, báo chí Việt Nam sẽ có cơ hội “đi tắt đón đầu”, đạt được các mục tiêu đề ra, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.

Nhận diện đặc thù chuyển đối số báo chí

Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn muốn hay không muốn mà là điều bắt buộc đối với từng cơ quan báo chí, để vừa đáp ứng yêu cầu của độc giả, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ truyền thông trong thời đại mới, cũng như tối ưu hóa các nguồn lực và đạt hiệu quả cao hơn trong nguồn thu báo chí.

Xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức - Ảnh 4
Chuyển đối số báo chí là xu thế phát triển tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Ảnh minh họa nguồn internet.

Cụ thể, chiến lược đưa ra mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nhệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Chuyển đổi số báo chí và những kết quả ban đầu

Một trong những kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự xuất hiện phổ biến các mô hình truyền thông mới như: “Tòa soạn hội tụ”, “Báo chí đa phương tiện”, “Báo chí đa nền tảng”, “Báo chí di động”, “Báo chí mạng xã hội”... Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh, truyền hình cũng dịch chuyển lên nền tảng internet.

Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật hiện đại cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn: Megastory, infographics, long form, data journalism, media, lens, podcast, video... Đồng thời, chuyển đổi số báo chí cũng giúp lãnh đạo cơ quan báo chí thay đổi phương thức quản trị nội bộ tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng... dựa trên phần mềm kỹ thuật số.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức - Ảnh 5
Trường quay của Báo Lao Động được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Tô Thế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố sự ra đời của trung tâm trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; thông tin về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam; Báo VNExpress (Bộ Khoa học và Công nghệ); Báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Điện tử Vietnamplus (TTXVN); Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông); Báo Điện tử VTC News ( Đài Tiếng nói Việt Nam); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Báo Người Lao động (Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).

PV

Bạn đang đọc bài viết Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng: Thời cơ mới và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới