Báo chí Cách mạng Việt Nam: Chuyển đổi số để thích ứng với thời cuộc
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, chuyển đổi số trong báo chí là việc mà Việt Nam đã, đang theo đuổi để Báo chí cách mạng bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ trong truyền thông của thế giới.
Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, người sáng lập, trực tiếp phụ trách công tác biên tập và cũng là cây viết chủ lực là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đến ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay).
Tháng 7/1950, Hội những người viết báo Việt Nam được Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan công nhận là thành viên chính thức của tổ chức. Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Báo Quân đội Nhân dân ra đời.
Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 - QĐ/TW, ngày 05/02/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925).
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Không chỉ là ngày lễ của riêng giới báo chí mà đây cũng là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí cách mạng là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ngày nay, trong kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đang tiếp tục phát huy truyền thống, luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, công tác truyền thông kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin của nhân dân, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, yêu nước và truyền thông góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội nhằm chung tay phòng, chống đại dịch thành công.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng nổ, truyền thông (báo chí) về thông tin dịch bệnh hoạt động rất tích cực. Số ca nhiễm trong nước, số ca hồi phục và tử vong được cập nhật thường xuyên và chính xác trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó là những tin bài, phóng sự, câu chuyện, thước phim phác họa hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm nỗ lực vì người bệnh ở tâm dịch; những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương; những người đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch để bảo vệ “vùng xanh” cho người dân tại Hà Nội,…
Thông tin từ báo chí đã người dân biết hành xử đúng đắn, góp phần giúp công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Những nhà báo, phóng viên sẵn sàng “dấn thân” vào tâm dịch để tác nghiệp nhằm truyền tải tới người dân những thông tin chính xác, công khai, minh bạch góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một lòng quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Trong những năm qua, đóng góp quan trọng và thành tích nổi bật của đội ngũ những người làm báo đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng với tinh thần luôn đổi mới sáng tạo, phát hiện cái mới, khẳng định và bảo vệ cái mới, cố gắng cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại.
Trong xu hướng chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng nền tảng công nghệ mới, qua đó không ngừng lớn mạnh và có sức lan tỏa, một số tờ báo điện tử, trang fanpage đã có lượng độc giả vượt trội.
Hiện nay, thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả ngày càng thay đổi. Nếu như trước kia tiếp nhận thông tin qua việc đọc báo giấy, xem tivi truyền thống thì ngày nay đã chuyển dần sang đọc báo, thông tin qua ứng dụng (app) hoặc trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, WhatsApp...
Điều các cơ quan báo chí đều phải suy nghĩ đó là chuyển đổi số báo chí thế nào để giữ chân bạn đọc, thu hút và tăng doanh thu quảng cáo, nhất là báo điện tử. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tìm đến các nền tảng số trên mạng internet đang phổ biến do đó báo chí cũng phải có bước chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu công chúng.
Việc sử dụng công nghệ số giúp cơ quan báo chí giảm bớt thời gian, chi phí hoạt động, đưa thông tin nhanh chóng đến độc giả. Thay vì phải đến tòa soạn để thực hiện các tin bài thì phóng viên có thể sử dụng phần mềm để đưa thông tin đến biên tập viên và biên tập viên có thể xuất bản thông tin lên báo điện tử hoặc trên các nền tảng khác.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số giúp cơ quan báo chí sẽ có một nguồn dữ liệu đầu vào lớn, cùng với việc ứng dụng công nghệ, tự động hóa, qua đó hình thành các quy trình làm báo mới, nhanh hơn, đáp ứng được yêu cầu độc giả, tăng tương tác giữa người làm báo và công chúng.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới giúp báo chí có thể tạo ra nhiều sản phẩm báo chí (megastory, timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ) đáp ứng các nhu cầu khác nhau của công chúng.
Cơ quan báo chí lấy công nghệ là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, mỗi cơ quan báo chí cần đẩy mạnh việc thu thập thông tin trực tiếp từ độc giả. Sử dụng công nghệ phân tích hành vi, thói quen của độc giả để tạo ra các sản phẩm mang tính cá thể. Việc phân tích hành vi, thói quen chỉ có thể được thực hiện khi áp dụng công nghệ đo lường độc giả trên các nền tảng báo chí, qua đó có thể tạo ra các mô hình sản phẩm thông tin mới phù hợp với nhiều loại độc giả. Từ sự phục vụ tốt hơn cho độc giả, các cơ quan báo chí có thể đa dạng hóa, tăng nguồn thu, đó chính là lợi thế của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số báo chí.
Có thể thấy, chuyển đổi số là con đường mà báo chí cần phải bước đi một cách mạnh mẽ và quyết liệt nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả và hậu quả cũng là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Bên cạnh việc xác định chiến lược, bước đi thích hợp thì một điều quan trọng nữa cũng cần chú trọng đó là việc đào tạo đội ngũ phóng viên, người làm báo. Việc chinh phục chuyển đổi số, công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghề nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực, kỹ năng của người làm báo, nhất là các nhà báo trẻ. Thêm vào đó, xu hướng phát triển hiện đại cũng đòi hỏi mỗi nhà báo cần phải có tâm sáng, ngòi bút sắc, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao.
Trong tháng 4/2023, chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đây là văn bản quan trọng hỗ trợ báo chí chuyển đổi số báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Tạ Ngọc