Thứ sáu, 06/12/2024 05:37 (GMT+7)
Thứ hai, 02/09/2024 07:08 (GMT+7)

Hưng Yên có huyện đầu tiên về đích huyện nông thôn mới nâng cao

Theo dõi KTMT trên

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu sẽ có từ 1 - 2 huyện nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện Văn Giang đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và là huyện đầu tiên của tỉnh này về đích nông thôn mới nâng cao.

Vừa qua, tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và gặp mặt kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập huyện (1/9/1999-1/9/2024).

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận huyện Văn Giang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hưng Yên có huyện đầu tiên về đích huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Văn Giang. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa chúc mừng những kết quả ấn tượng mà huyện Văn Giang đạt được sau 25 năm tái lập. Đồng thời đề nghị huyện này tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai các công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, huyện Văn Giang cần tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ và công nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái gắn với phát triển dịch vụ nông nghiệp.

Cùng với đó, địa phương này cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn, nhất là trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư phục vụ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là dự án đường vành đai 4, dự án đường vành đai 3-5, khu trung tâm hành chính mới, các dự án khu đô thị, khu nhà ở.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên lưu ý, thời gian tới huyện Văn Giang cần tăng cường đầu tư công đi đôi với đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân của các dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở hiện đại, thông minh, sinh thái; các dự án thương mại, dịch vụ, giáo dục, đào tạo. Qua đó, tạo đột phá về hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường gắn với đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III và loại II.

Huyện tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, gắn với phát triển du lịch, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội; quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sau 13 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 29/79 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng gấp 44,06 lần so với năm 2000; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, gấp hơn 3.500 lần. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng/người/năm; giá trị thu trên 1 ha canh tác đạt 442,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức thấp nhất so với các địa phương trong tỉnh.

Năm 2025, huyện Văn Giang phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người 155 triệu đồng/người/năm, phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2025.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên có huyện đầu tiên về đích huyện nông thôn mới nâng cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới