Hưng Yên: Công bố Quy hoạch tỉnh và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án mới
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên và xúc tiến đầu tư năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo tỉnh này đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án mới, tổng vốn đăng ký 26.000 tỷ đồng.
Tới dự hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh Hưng Yên có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định Hưng Yên có vị trí rất thuận lợi, nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng. Song để phát huy được lợi thế này, cần có 3 tuyến đường huyết mạch "kéo" Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn, các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng cũng khẳng định, Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, xứng với câu ca "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Thủ tướng bày tỏ tin tưởng tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển đúng tầm, nhanh và bền vững, trở thành tỉnh trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý rằng quy hoạch có vai trò quan trọng, định hướng dẫn dắt, phát triển nhưng phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để tạo được hiệu quả và thu hút được đầu tư, thúc đẩy phát triển. Qua đó, các nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư và gắn bó lâu dài.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án mới đầu tư vào tỉnh này. Trong đó, 19 dự án vốn đầu tư nước ngoài, tổng số vốn đăng ký hơn 630 triệu USD (tương đương hơn 16.000 tỷ đồng) và 5 dự án trong nước với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
Điển hình là một số dự án như: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thổ Hoàng (3.095 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng Công viên trung tâm và khu đô thị mới Đông Khoái Châu 34,02 ha (3.100 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng (hơn 3.200 tỷ đồng); Dự án sản xuất cáp, đầu nối và ăng ten (16,5 triệu USD); Dự án sản xuất đầu nối và các linh kiện điện tử (10 triệu USD); Trung tâm thương mại GO Hưng Yên(18,2 triệu USD); Nhà máy chế biến sản phẩm của Acecook Việt Nam (87,7 triệu USD).
Theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, không gian phát triển của tỉnh này trong tương lai được định hướng với “2 vùng động lực, 2 hành lang kinh tế, 5 trục phát triển, 3 trung tâm tăng trưởng”.
Trong đó, 2 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế (quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).
2 hành lang kinh tế gồm: Hành lang công nghiệp - đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “di sản” ven sông Hồng.
5 trục phát triển gồm: Trục phát triển Bắc Nam (trục quốc lộ 39, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối cao tốc và Vành đai 5) là trục chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trục phát triển Bắc Nam phía Đông (trục kết nối Mỹ Hào, Ân Thi Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại nút giao Tân Phúc).
Trục Vành đai 4 gắn kết cao tốc Hà Nội - Hải Phòngvới cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trục đường nối cao tốc Bô Thời - Dân Tiến kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trục thứ 5 là quốc lộ 38 qua cầu Yên Lệnh, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Với mục tiêu sớm hiện thực hóa quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh này đề ra 3 đột phá chiến lược và 8 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, có các đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Sông Hồng