Họp báo về ô nhiễm không khí, phóng viên bị mời ra ngoài
Chiều ngày 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức cuộc họp khẩn với các Bộ, ngành liên quan, về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, phóng viên chỉ được tham dự 15 phút, sau đó bị yêu cầu ra ngoài.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm ra các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí, đảm bảo sức khỏe cho người dân trước thực trạng chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng "xấu".
Mở đầu cuộc họp, lấy lý do phòng họp chật và để tạo không khí thoải mái cho các đại biểu phát biểu thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị báo chí chia sẻ, tác nghiệp trong 15 phút đầu, sau đó Bộ sẽ cung cấp thông cáo về toàn bộ nội dung cuộc họp.
Buổi họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều ngày 19/12. (Ảnh: Báo Dân sinh) |
Ông Hà cũng trình bày hạ tầng thông tin của Bộ chưa có hệ thống truyền âm thanh sang phòng họp khác để báo chí cùng theo dõi, vì vậy, đến phần kết luận cuộc họp, phóng viên mới được vào tác nghiệp trực tiếp.
Theo số liệu quan trắc chính thức của Trung ương và địa phương, mức độ ô nhiễm tập trung vào nhiều thời kỳ, trong từng giai đoạn. Đáng chú ý, có lúc ô nhiễm vượt ngưỡng, ảnh hưởng sức khoẻ con người - đây là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các bộ, ngành và người dân hết sức quan tâm.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cuộc họp đặt ra trong bối cảnh năm 2019, đặc biệt cuối năm nay chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn, theo số liệu quan trắc chính thức của trung ương và địa phương cho thấy mức độ ô nhiễm tập trung vào nhiều thời kỳ, trong từng giai đoạn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thủ tướng đã ban hành kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó, phân công rất rõ nhiệm vụ với các cơ quan Trung ương, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Ông cũng bày tỏ mong muốn báo chí sẽ đưa tin chính xác và có sự thống nhất cao, vì thông tin không chính xác sẽ khiến người dân bất an, thậm chí bị lợi dụng để làm mất an ninh trật tự hay để quảng bá một số sản phẩm.
“Đây là vấn đề hết sức cấp bách, nghiêm trọng và nhạy cảm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, buổi họp hôm nay chưa tìm được nguyên nhân chính, nhưng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm không khó.
Để đảm bảo vấn đề sức khỏe cho người dân, ông Hà kiến nghị trước mắt Hà Nội cần phải có trách nhiệm tập trung nguồn, bằng mọi phương pháp huy động ngân sách, huy động lực lượng để duy trì các hệ thống quan trắc tự động nhằm xác định chính xác về môi trường không khí và cung cấp thông tin mỗi ngày 2 lần để người dân nắm bắt được.
Nếu tình trạng chất lượng lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải cho người dân ra đường phải thực hiện các biện pháp mà Bộ Y tế khuyến cáo.
Trong các ngày 10-13/12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (AQI trong khoảng 201-300). Giá trị trung bình của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt ở Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày 11-12/12. Chất lượng không khí những ngày qua liên tục ở mức xấu, một số nơi chạm ngưỡng rất xấu. Không khí có chất lượng xấu nhất trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 8h hôm sau. Sau 12h trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày 10-13/12, AQI ở mức rất xấu chiếm đến 32,5% số thời gian trong ngày. |
Nguyễn Luận