Hơn 34 triệu người đối mặt với nạn đói nghiêm trọng
Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc (WFP), ngày 23/3 đã cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực ở 20 quốc gia, đồng thời cho biết tình trạng này sẽ tiếp tục tồi tệ hơn trong vài tháng tới.
Theo một báo cáo về các “điểm nóng” nạn đói do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc công bố, các gia đình ở Yemen và Nam Sudan đang lâm vào cảnh đói khát.
Ước tính, có khoảng 34 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực "khẩn cấp" (IPC Giai đoạn 4), có nghĩa là họ chỉ còn một mức nữa là chạm đến mức cao nhất của khung Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực (IPC) của Liên Hợp Quốc.
Giám đốc điều hành WFP David Beasley cho biết: "Chúng ta phải chứng kiến thảm họa đói đang diễn ra trước mắt. Nạn đói do xung đột, chiến tranh và càng trầm trọng hơn bởi các cú sốc khí hậu, đại dịch Covid-19 đang gõ cửa hàng triệu gia đình. Chúng tôi đề nghị khẩn cấp ba vấn đề để ngăn chặn tình trạng hàng triệu người chết vì đói: Chiến sự phải dừng lại, chúng tôi phải được phép tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và trên hết, chúng tôi cần hỗ trợ 5,5 tỉ USD cho nhu cầu trong năm nay".
Xung đột, chiến tranh, đại dịch Covid-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến dự báo về sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 20 điểm nóng về nạn đói trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2021.
Xung đột hoặc các hình thức bạo lực khác có thể kéo dài hoặc có khả năng gia tăng ở các vùng của Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Trung Sahel, Ethiopia, Bắc Nigeria, Bắc Mozambique, Somalia, Nam Sudan và Sudan.
Dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, khiến những nước này rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Mỹ Latin là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng suy giảm kinh tế và sẽ phục hồi chậm nhất. Khu vực Trung Đông, Yemen, Syria và Lebanon bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đồng tiền bị mất giá nhanh và lạm phát tăng vọt.
Khí hậu cực đoan, hiện tượng thời tiết La Nina có thể sẽ tiếp tục tác động trong tháng 4 và tháng 5, gây ra nạn đói ở một số nơi trên thế giới từ Afghanistan, Madagascar đến vùng Sừng châu Phi.
Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trên sa mạc ở Đông Phi và trên Bờ Biển Đỏ vẫn là mối quan ngại lớn. Tại một số vùng ở Nam Phi như Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe, dịch châu chấu di cư đe dọa tàn phá mùa màng.
Việc tiếp cận của các chương trình nhân đạo ngày càng bị hạn chế ở một số quốc gia nhằm giúp đỡ những người có nhu cầu đã và đang khiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn.
Điểm nóng về nạn đói
Nam Sudan: FAO và WFP đang kêu gọi hành động khẩn cấp và quy mô lớn ngay từ bây giờ để chấm dứt nạn đói cũng như sự sụp đổ hoàn toàn của sinh kế ở khu vực này. Hơn 7 triệu người trên khắp Nam Sudan được dự báo sẽ rơi vào khủng hoảng hoặc trải qua mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng hơn, tăng 700.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái.
Yemen: Tình trạng bạo lực kéo dài và suy giảm kinh tế cũng như sự gián đoạn nghiêm trọng đối với các hoạt động ứng phó nhân đạo dự kiến sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Tại các khu vực Al Jawf, Amran và Hajjah, số người gặp thảm họa mất an ninh lương thực dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần – lên tới 47.000 người vào tháng 6/2021, so với 16.000 người vào tháng 10 đến tháng 12/2020. Với dân số vốn đã rất dễ bị tổn thương, suy dinh dưỡng nghiêm trọng, di cư ngày càng tăng và tình hình kinh tế xấu đi, nguy cơ xảy ra nạn đói ở Yemen ngày càng rõ rệt. Nhìn chung, hơn 16 triệu người Yemen dự báo sẽ phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào tháng 6/2021, tăng khoảng 3 triệu người kể từ cuối năm ngoái.
Nigeria: Ở miền Bắc Nigeria bị xung đột, dự báo cho thấy số người gặp tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi - lên hơn 1,2 triệu - so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng tới, tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng dự kiến sẽ gia tăng đáng kể ở miền Bắc Nigeria với khoảng 13 triệu người bị ảnh hưởng trừ khi hỗ trợ lương thực và sinh kế được tăng cường.
Burkina Faso: Burkina Faso đã chứng kiến sự cải thiện nhẹ về an ninh lương thực kể từ tháng 6/2020 do một mùa nông nghiệp tốt và vì người dân ở các khu vực hẻo lánh và không thể tiếp cận trước đây đã có thể nhận được lương thực. Nhưng tình hình vẫn rất đáng lo ngại và cần được theo dõi chặt chẽ vì bạo lực có thể sẽ tiếp tục đẩy người dân vào tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. Khoảng 2,7 triệu người Burkina Faso được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2021 - mức tăng mạnh so với 700.000 người vào năm 2019, trước khi bạo lực leo thang ở quốc gia châu Phi này.
Hà Lan