Thứ sáu, 22/11/2024 16:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/12/2019 15:44 (GMT+7)

Hồi sinh sông Tô Lịch: Cần những biện pháp dài hơi

Theo dõi KTMT trên

Hàng loạt biện pháp để hồi sinh sông Tô Lịch đã và đang được các đơn vị có liên quan đề xuất triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch, điều quan trọng nhất là phải xử lý được nguồn thải chảy vào sông.

Hợp lý song chưa đủ

Nhằm cải thiện môi trường Hồ Tây, sông Tô Lịch, hàng loạt đề xuất, biện pháp như xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy 3C, công nghệ Nano – Bioreactor, hay dẫn nước sông Hồng vào bổ cập nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch… đã được các đơn vị chức năng thử nghiệm, áp dụng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, những biện pháp mà các đơn vị chức năng đã và đang thực hiện mới là biện pháp giải quyết phần ngọn, cái gốc của tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Cần những biện pháp dài hơi - Ảnh 1
Sông Tô Lịch. Ảnh: Công Hùng

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, từ những biện pháp mà các đơn vị chức năng đã đề xuất có thể nhận thấy 2 xu hướng làm sạch sông Tô Lịch. Trong đó, biện pháp xử lý bằng chế phẩm Redoxy 3C (của châu Âu), công nghệ Nano – Bioreactor (của Nhật Bản) là biện pháp xử lý tại chỗ. Nhưng suy cho cùng, những biện pháp trên cũng mới là giải pháp tạm thời.

Nói như vậy là bởi, việc xử lý ô nhiễm tại chỗ là biện pháp lắp đặt máy móc, đưa một lượng hóa chất, chế phẩm sinh học (không hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường nước) xuống sông để từng bước cải thiện môi trường nước của Hồ Tây hay sông Tô Lịch. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ thực sự có hiệu quả khi thực hiện ở những khu vực không có nước thải bổ cập – nguồn gốc của sự ô nhiễm.

Tương tự, đề xuất dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện nước sông Tô Lịch – biện pháp mà nhiều chuyên gia cho rằng là hợp lý nhất trong thời điểm này cũng chưa đủ sức giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Theo lý giải của các chuyên gia, phương án mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất, nếu được thông qua, việc dẫn nước từ sông Hồng và Hồ Tây sẽ được thực hiện khoảng 2 lần/tháng, chủ yếu vào mùa khô. Tuy nhiên, với lượng nước thải bổ cập vào sông Tô Lịch lên đến 150.000 m3/ngày, giải pháp này cũng chỉ có tác dụng pha loãng tình trạng ô nhiễm, tạo dòng chảy cho dòng sông… mà chưa thể giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Hài hòa giữa các giải pháp

Từ những thực tế trên, nhiều chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh hiện nay sẽ không có biện pháp nào đủ mạnh để xử lý được tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch. Theo lý giải của các chuyên gia, hiện nay, biện pháp được chờ đợi nhất là Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và xây dựng đường cống tách, ngăn nước thải chảy thẳng xuống sông Tô Lịch.

Theo PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), môi trường cảnh quan sông Tô Lịch cần thiết phải cải tạo bằng các giải pháp thu gom toàn bộ nước thải để xử lý (tập trung hoặc phi tập trung) với tổng lưu lượng 300.000 – 350.000 m3/ngày, bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả trở lại sông. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch, đặc biệt là mùa khô.

Từ thực tế trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Trần Đức Hạ cho rằng, biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ cập nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP Hà Nội đang triển khai. Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết.

Bạn đang đọc bài viết Hồi sinh sông Tô Lịch: Cần những biện pháp dài hơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới