Hóa giải 'nút thắt' ùn ứ rác: Ứng dụng công nghệ số xử lý rác (Kỳ cuối)
Theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải. Với tỉ lệ thu gom đạt 100% thì đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô là khoảng 8.500 tấn/ngày.
Với lượng rác lớn và chưa ngừng tăng như vậy, Hà Nội đã xác định phải đi bằng “hai chân” trong xử lý vấn đề rác thải. Đó là vừa kêu gọi xã hội hóa xây dựng các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại vừa tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, từ việc nhỏ bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn.
Phân loại rác tại nguồn - việc nhỏ lợi ích lớn
Những ngày gần đây tại nhiều trường học và một số khu phố tại Hà Nội lan tỏa phong trào, phụ nữ học sinh mang rác đến các điểm định sẵn để đổi lấy quà. Tranh thủ sáng cuối tuần, nhiều người khệ nệ xách túi nhựa, giấy, sắt thép đến điểm thu gom rác tái chế.
Khi bà con vừa mang rác đến nhân viên môi trường tươi cười, đon đả nhận rác cho lên cân rồi phát phiếu nhận quà. Túi nhỏ dầu gội đầu, kem đánh răng hay chỉ là túi vải đựng đồ là những thứ người dân Thủ đô nhận được sau khi đổi rác.
Thu đổi rác tái chế lấy quà tặng là một trong những hoạt động nằm trong dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" do Urenco phối hợp với các đơn vị triển khai từ tháng 8/2020.
“Ý nghĩa lớn lao của chương trình là nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tùy tiện, nâng cao ý thức phân loại rác bảo vệ môi trường trong người dân”, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco) mở đầu câu chuyện về việc lợi ích lâu dài khi người dân có ý thức bảo vệ môi trường. “Qua hoạt động đổi quà từ rác tái chế, Urenco mong muốn chuyển tải đến người dân thông điệp rác là tài nguyên có giá trị kinh tế nếu được phân loại và đưa đúng đến nơi quy định”, ông Bình nhấn mạnh thêm.
Hiện Urenco đã triển khai 7 điểm đổi rác lấy quà tại Hà Nội. Trong đó, đầu tiên được triển khai ở quận Hoàn Kiếm, sau đó mở rộng các địa bàn như: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình.
Ứng dụng công nghệ số trong điều hành xử lý rác
Ông Đặng Hữu Bình tiết lộ, phía Urenco còn đang thí điểm phối hợp với các đơn vị công nghệ, cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh để người dân có thể liên hệ với nhân viên môi trường tự đặt lịch thu gom rác tái chế, tích điểm đổi quà. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mà thời gian gần đây, tại Hà Nội đã hình thành phong trào: đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn. Khác hẳn trước đây, mỗi lúc người dân lại mang một bịch rác để ra đường, gây nhếch nhác phố phường.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Urenco, nằm trong giải pháp giúp môi trường Thủ đô thêm xanh, sạch đẹp, trong thời gian qua, được sự cho phép của thành phố, đơn vị đã đầu tư nhiều phương tiện cơ giới hiện đại có thể vừa quét vừa hút rác, hút bụi trên đường phố được nhân dân đánh giá cao. Tại trung tâm điều hành rác của Urenco đặt tại Kim Mã có thể thấy, rác đã được điều hành theo công nghệ số. Các xe vận chuyển đều được lắp đặt camera và định vị để giám sát. Chỉ cần xe thu gom bỏ qua hoặc thu dọn không sạch một điểm rác đã được định sẵn thì sẽ bị chụp ảnh lại gửi về đơn vị (quận) thu gom, để tiếp tục dọn sạch ngay sau đó. Nhờ đó, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội đạt xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, với sự gia tăng dân số, tăng quy mô sản xuất công nghiệp…, khiến cho rác thải ở Hà Nội không giảm mà có xu hướng tăng trong những năm tới. Dự báo trên đã thúc đẩy thành phố bắt tay quy hoạch các khu xử lý rác cho tương lai.
Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải, chia làm 3 khu vực: Bắc, Nam và Tây. Một số khu xử lý đang được UBND thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can, (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức)... Quy mô mỗi khu xử lý từ 4 ha đến khoảng 20 ha, công suất xử lý từ 500 tấn đến 1.200 tấn rác/ngày đêm.
“Quy hoạch trên cho thấy, mỗi vùng hay khu vực của Thủ đô sẽ có một số nhà máy, dự án xử lý rác. Điều đó nhằm rút ngắn thời gian di chuyển của rác từ các điểm tập kết đến nơi xử lý, đảm bảo khoảng cách từ 10 đến 30km có một nhà máy rác. Như vậy, hạn chế đáng kể rác “đi” xuyên tâm, phát tán ô nhiễm ra môi trường”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chia sẻ và cho biết thêm Sở đang tiếp tục cập nhật một số khu vực để đưa vào quy hoạch xử lý rác.
Trao đổi với ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội được biết, ước tính mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 2.100 tấn chất thải rắn xây dựng. Đến năm 2030 sẽ có khoảng 3.400 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 4.800 tấn/ngày đêm. Theo đó, thành phố đã quy hoạch 26 vị trí bãi đổ với diện tích khoảng 108 ha, tại nhiều địa phương như: Tây Đằng (Ba Vì) 1,5 ha; Trung Sơn Trầm (Thị xã Sơn Tây) 1,5 ha; Trung Châu (Đan Phượng) 5 ha; Chương Dương, Thống Nhất (Thường Tín) 5,6 ha; Phú Thị, Dương Hà (Gia Lâm) là 19 ha; Nguyên Khê, Dục Tú, Vân Nội (Đông Anh) 27 ha. Ngoài ra, tại các huyện: Thanh Trì, Mê Linh, Sóc Sơn… đều có bãi đổ chất thải rắn xây dựng. Tại các ô quy hoạch, thành phố đã chỉ đạo triển khai chôn lấp, ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiền chất thải rắn xây dựng để tái sử dụng.
“Việc đưa công nghệ nghiền vào ứng dụng tại Hà Nội sẽ giải được 3 bài toán cùng một lúc là tận dụng được nguyên liệu cát tái chế trong bối cảnh tài nguyên cát đang cạn kiệt; quá tải tại các bãi tập kết chất thải xây dựng; giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển", ông Võ Nguyên Phong nhìn nhận.
Ông Võ Nguyên Phong cho biết thêm, không chỉ chất thải rắn xây dựng mà ở nhiều loại chất thải, rác thải khác, trong các quy hoạch thành phố đều ưu tiên công nghệ xử lý. Đó là đối với chất thải rắn thông thường sẽ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt phát điện, công nghệ tái chế nhựa, tái chế giấy và sắt thép. Đối với chất thải rắn nguy hại áp dụng công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh… “Công nghệ hiện đại kết hợp với các quy hoạch trên được thực hiện và nhiều nhà máy rác khởi công xây dựng sẽ giải quyết cơ bản vấn đề xử lý rác thải của thành phố trong tương lai gần cũng như dài hạn”, ông Phong nói.
Hướng tới bảo vệ môi trường bền vững
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian này thành phố đang chỉ đạo các sở ngành liên quan, tập trung ưu tiên hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục nhằm nổi lửa và khởi công các nhà máy đốt rác phát điện theo cam kết. Trước mắt, trong tháng 5 yêu cầu Urenco tiếp tục đưa vào vận hành nhà máy đốt rác thải công nghiệp phát điện NEDO có công suất 75 tấn ngày/đêm do Nhật Bản tài trợ.
Mặt khác, chỉ đạo huyện Sóc Sơn, Ba Vì và thị xã Sơn Tây cùng các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Ứng Hòa…, thực hiện giải phóng mặt bằng đối với những dự án nhà máy rác đã có chủ đầu tư.
Đối với bãi rác Nam Sơn, Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước và môi trường thành phố bàn giao cho Sở Xây dựng tổng thể ô chôn lấp 1.1 và 1.2 để điều tiết bơm chuyển nước rác xong trước ngày 27/5 phục vụ công tác tiếp nhận. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Vì sớm hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường quanh bãi rác để sớm thi công mở rộng theo quy hoạch.
Trao đổi với một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội coi trọng công nghệ và nâng cao ý thức của người dân về rác thải là hướng đi hoàn toàn hợp lý. Tuy rằng, so với thực tế có chậm và đôi lúc chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo tháo gỡ giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác.
Ông Edward McBean, chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học University of Guelph (Canada), từng chia sẻ, đem các công nghệ từ châu Âu về xử lý rác tại các nước châu Á không khó. Thiết bị có thể cho phép đốt hết được cơ bản các loại rác thải. Nhưng chi phí sẽ rất cao và gây áp lực về khí thải môi trường.
Để hoạt động hiệu quả của các nhà máy rác, ông Edward McBean chỉ ra, mỗi gia đình tự phân loại rác tại nhà với mức độ chính xác khoảng 80% sẽ tiết kiệm cho Chính phủ một khoản tiền khổng lồ để xử lý rác thải. Đặc biệt với Hà Nội, cùng với công nghệ cần bắt đầu thay đổi thói quen, nhận thức của người dân nhất là nhận thức của trẻ em ngay từ việc phân loại rác tại nguồn để giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải.
Mạnh Khánh