Hít phải không khí bị ô nhiễm nặng, nguy cơ lão hóa thêm 15 năm?
Trên thực tế, nếu người dưới 30 tuổi và tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở mức độ cao, thì khả năng nhận thức sẽ bị suy giảm tương tự như bị lão hóa thêm 15 năm.
Theo các nhà nghiên cứu Đại học Queensland (Australia), việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn có tác động tiêu cực tới khả năng hoạt động của não bộ.
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu ứng dụng trên điện thoại về huấn luyện não mang tên Luminosity, nhằm đánh giá khả năng hoạt động của người trưởng thành sau khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở nhiều mức độ khác nhau.
Nhà nghiên cứu hàng đầu của Đại học Queensland, bà Andrea La Nauze nhận định việc tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 nồng độ cao sẽ khiến người tham gia giảm gần 6 điểm trong thang điểm 100. Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh dù đã có nhiều nghiên cứu về các động lâu dài của bụi mịn PM2.5 đối với sức khỏe, thì đây là lần đầu tiên có một đánh giá về tác động tức thời của ô nhiễm tới khả năng nhận thức của con người.
Các trò chơi trong nghiên cứu tập trung vào 7 năng lực nhận thức trong đó có khả năng ghi nhớ, nói, tập trung, sự linh hoạt, khả năng tính toán, tốc độ và giải quyết vấn đề. Nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những người dưới 50 tuổi. Trên thực tế, nếu người chơi dưới 30 tuổi và tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở mức độ cao, thì khả năng nhận thức sẽ bị suy giảm tương tự như bị lão hóa thêm 15 năm.
Nghiên cứu đã hé lộ góc nhìn khác về tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, thông qua việc đánh giá mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với năng suất lao động. Nghiên cứu thậm chí cho thấy nồng độ PM2.5 trên 25 mg/m3 cũng gây suy giảm nhận thức.
Thời gian qua, biến đổi khí hậu đã khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn. Khói từ các trận cháy rừng có nguy cơ khiến nồng độ PM2.5 tại các thành phố của Australia lên tới 150 mg/m3.
Theo nhà nghiên cứu La Nauze, để giảm thiểu tác động ô nhiễm, cần thực thi các biện pháp an toàn ở cấp độ cá nhân lẫn chính quyền. Cụ thể, người dân có thể tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm thông qua việc ở nhà nhiều hơn, sử dụng máy lọc không khí, hay chuyển đến khu vực ít ô nhiễm.
Về phần mình, các chính quyền cần tiếp tục áp dụng các chính sách như giảm khí thải từ xe hơi, tập trung vào các nguồn gốc gây ô nhiễm không khí như cháy rừng và điều chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng không khí.
Theo Giám đốc của Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago (EPIC) khi xét trên tổng dân số toàn thế giới, ô nhiễm không khí đang đánh cắp đi 17 tỉ năm tuổi thọ. Cũng theo báo cáo này, ở nhiều khu vực, ô nhiễm không khí đã trở thành nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng hơn so với bệnh lao, HIV/AIDS hay nạn hút thuốc lá.
Tính riêng từng nước, Trung Quốc tuy vẫn là nguồn gây ô nhiễm lớn, nhưng đã có đóng góp quan trọng trong cắt giảm khí thải. Nếu đạt tới mức chất lượng không khí theo tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, người dân Trung Quốc sẽ có tuổi thọ tăng thêm 2,6 tuổi. Tính tổng cộng, ô nhiễm bụi mịn ở Trung Quốc giảm 29% kể từ năm 2013, giúp tăng thêm 1,5 tuổi thọ trung bình mỗi người dân.
Điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng không khí là Nam Á, nhất là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nepal. Hơn 480 triệu người dân sinh sống tại những vùng rộng lớn ở miền Trung, Đông và Bắc Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề. Nếu chất lượng không khí đạt mức tiêu chuẩn của WHO, tuổi thọ của người dân Ấn Độ sẽ tăng thêm 5,9 tuổi.
Khu vực Tiểu Sahara châu Phi cũng là một điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại Ghana, nếu ô nhiễm không khí được kiểm soát tốt, tuổi thọ của người dân sẽ tăng thêm 2,6 năm, ngang bằng với Trung Quốc.
Nguyễn Linh (T/h)