Hiểm họa đá bắn vào nhà khi nổ mìn khai thác đá: Ai lo cho tính mạng người dân?
Cuộc sống của người dân trong khu vực các mỏ khai thác đá không chỉ chịu cảnh tiếng ồn, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ đá rơi vào nhà mỗi khi nổ mìn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng bị đe dọa.
Mới đây, ngày 15/3, tại khu vực tổ dân phố Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam), sau tiếng nổ lớn tại mỏ đá vôi Thạnh Mỹ phục vụ sản xuất Xi măng của Công ty xi măng Xuân Thành, bất ngờ một tảng đá lớn nặng gần 4 tấn rơi xuống làm sập mái nhà anh Nguyễn Minh Sơn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện cùng các cơ quan liên quan và UBND thị trấn Thạnh Mỹ đã có mặt tại hiện trường, thực hiện công tác kiểm tra, xác minh xem xét và chỉ đạo các biện pháp khắc phục vụ việc.
Ngoài ra trong khu vực đất sản xuất gia đình anh tại thời điểm đó còn có 2 khối đá có kích thước lớn rơi xuống gây ảnh hưởng một số cây trồng của gia đình anh và các hộ gia đình lân cận khác.
Theo người dân, đây là khu vực thường xuyên có đá lăn mỗi khi nổ mìn. Sau khi người dân kiến nghị nhiều lần, chính quyền địa phương đã xây bờ kè ở phía sau để ngăn ngừa đá lăn xuống nhà dân nhưng lần này đá đã vượt qua cả bờ kè này. Cơ quan chức năng cũng đang làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này.
Cũng đầu tháng 3 này người dân thôn 5,6 xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã chặn đường vào mỏ khai thác đá công ty Kiên Ngọc, buộc chính quyền địa phương phải tổ chức buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và người dân. Tại buổi đối thoại người dân đã nêu lên vấn đề trong khai thác đá công ty Kiên Ngọc đã không có biện pháp, giải pháp, giãn dân, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm có thể gây mất an toàn trên tính mạng của người dân.
Ngay cả mổ mả tổ tiên cũng bị ảnh hưởng do khai thác đá gây ra, việc đất đá lăn xuống làm hư hỏng mồ mả của gia đình một số hộ dân trong quá trình nổ mìn khai thác đá chính là hành động xâm hại mồ mả, tổ tiên của người dân sinh sống tại đây. Tại buổi đối thoại hầu hết người dân thôn 5,6 mong muốn các cấp chính quyền đưa ra phương án thỏa đáng cho người dân, giúp cho người dân được cuộc sống ổn định không bị ô nhiễm, không phải mỗi ngày đều phải lo sợ an nguy đến tính mạng của gia đình mình luôn bị đe dọa do mỗi lần nổ mìn của công ty Kiên Ngọc gây ra.
Vào khoảng 11 giờ ngày 26/2/2023, tại mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát Đạt có địa chỉ tại khu Lục Đồi, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) hơn 30 hộ dân sống gần đó luôn thấp thỏm, lo sợ. Sau tiếng nổ mìn làm cả xóm bị rung chấn, nhiều đá văng vào nhà dân, sau đó khói bụi bao trùm không thể thở được. Gia đình ông Bạch Hồng Sơn bị đá văng đâm thủng mái tôn (rộng khoảng 30cm) và xuống nền sân vương vãi khắp nơi. "Tâm lý người dân rất nặng nề, không biết sống chết lúc nào mỗi khi mỏ đá hoạt động," ông Sơn bức xúc nói.
Tình trạng đá nổ, rung chấn nhà dân, gây nứt tường nhà, gây tâm lý hoang mang đã tồn tại từ lâu trên địa bàn huyện Kim Bôi. Mỏ đá hoạt động sát khu dân cư đang gây hậu quả nghiệm trọng đến cuộc sống của người dân.
Trước đó, vào tối 3/4/2022, Một vụ nổ mìn khai thác đá ở xã Phà Đánh (H.Kỳ Sơn Nghệ An) khiến 2 người dân bị thương và 23 ngôi nhà bị hư hỏng do đá văng trúng. Chị Cụt Thị Anh (37 tuổi), người dân địa phương cho biết vào thời điểm trên, chị đang ngồi trước hiên nhà thì mỏ đá ở cách nhà chị khoảng 300 mét nổ mìn để khai thác. Khác với mọi ngày, lần này, ngay sau tiếng nổ rất lớn là những viên đá lớn nhỏ bay tung tóe xuống nhà dân. “Nhà tôi có 6 viên đá bắn thủng mái nhà và văng trúng người khiến tôi bị thương ở chân. Tôi cố chạy vào nhà, sau đó được người nhà chở đến bệnh viện”. Cách nhà chị Anh không xa, bà Ven Thị Thương (55 tuổi) cũng phải đi cà nhắc vì bị đá từ mỏ đá văng trúng. “May là đá văng không trúng đầu”, bà Thương nói.
Nhà con gái của bà Thương gần đó còn nghiêm trọng hơn với gần một nửa mái nhà bị hư hỏng. “Lúc đó, cháu gái của tôi đang nằm ngủ trên giường cũng bị đá bắn xuyên mái nhà, văng vào người. Rất may, nó đang đắp chăn nên không bị thương”, bà Thương nói thêm.
Từ những vụ việc trên cho thấy không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ môi trường từ hoạt động khai thác tại các mỏ đá mà còn tiềm ẩn nguy cơ nổ mìn đá văng vào nhà phá hoạt tài sản, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân. Đến bao giờ, người dân sống gần các mỏ đá mới được bình yên?
Theo LS Phạm Viết Luân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Để xử lý các vụ TNLĐ xảy ra tại các mỏ khai thác đá thì căn cứ kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn; mức độ vi phạm và hậu quả vụ việc. Theo đó, nếu các vụ tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng và các vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì căn cứ các quy định liên quan để xử phạt hành chính... Nếu TNLĐ dẫn đến chết người mà những chứng cứ cho thấy lỗi hoàn toàn do đơn vị sử dụng lao động, vi phạm tổ chức khai thác thì cơ quan có thẩm quyền có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 227 Bộ luật Hình sự về việc vi phạm các quy định an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng…
Kiên Giang