Vụ khai thác trái phép gần 500 tấn đá thạch anh tại Nghệ An: Trách nhiệm thuộc về ai?
Địa điểm khai thác đá trái phép chỉ cách trụ sở UBND xã Châu Hoàn chừng 3-4 km, tuy nhiên gần 500 tấn đá thạch anh được vận chuyển một cách dễ dàng ra địa điểm tập kết. Khoáng sản bị “đánh cắp”, cơ quan chức năng ở đâu và ai là người chịu trách nhiệm?
Chính quyền xã chủ quan?
Ngay sau khi nắm thông tin sự việc, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường có mặt tại bản Liên Minh xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) để ghi lại một số hình ảnh hiện trường vụ khai thác gần 500 tấn đá thạch anh trái phép. Con đường đất dẫn lên điểm khai thác đá trái phép (tính từ đường lớn đi vào khoảng hơn 1km) còn in hằn những dấu vết xe trọng tải lớn. Đi sâu vào điểm khai thác, chúng tôi chứng kiến những viên đá lớn không có giá trị được “đá tặc” vứt rải rác bên đường. Phóng xa tầm mắt, một vùng đất rộng chừng hơn 300m2 ngổn ngang những viên đá thạch anh chưa được vận chuyển đi.
Địa điểm khai thác đá trái phép chỉ cách trụ sở UBND xã Châu Hoàn chừng 3-4 km, tuy nhiên hơn 400 tấn đá thạch anh được vận chuyển một cách dễ dàng ra địa điểm tập kết, chưa kể có hơn 80 tấn được đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi vậy trong quá trình khai thác trái phép, chính quyền địa phương, các đơn vị có thẩm quyền đã ở đâu khi đối tượng khai thác với số lượng tài nguyên khoáng sản lớn như vậy mà vẫn không hề hay biết. Liệu rằng có chuyện "con voi chui lọt lỗ kim"?.
Trước đó, theo báo cáo giải trình của UBND xã Châu Hoàn huyện Quỳ Châu, vào ngày 01/02/2024, UBND xã Châu Hoàn nhận được phản ánh của người dân về việc có người tập kết đá trái phép trên địa bàn xã. Qua kiểm tra xác minh tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều viên đá có hình dạng khác nhau, màu trắng xám được chất thành một đống (khoảng 6-7 khối) tập kết tại đất trống, bên tuyến đường liên xã bản Liên Minh đi bản Nật Trên, xã Châu Hoàn.
UBND xã Châu Hoàn giải trình rằng sự việc bắt nguồn từ khi ông Lô Văn Huỳnh sinh năm 1950, trú tại bản Liên Minh có thuê anh V.V.S , trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp đưa máy lên đào ao, đào ruộng. Trong quá trình đào ao, ruộng, đường keo thì S. phát hiện có đá thạch anh nên đã gom về tập kết để vận chuyển đi tiêu thụ. Đối với số đá trên, UBND Châu Hoàn xã đã lập biên bản và giao cho Ban quản lý bản Liên Minh tạm thời trông coi, quản lý.
Ông Lô Văn Huỳnh cho biết, bản thân đã vào làm lán chòi và khai hoang được 10 đám ruộng nhỏ, 1 ao cá từ năm 1987. Đến năm 2002 khi có chủ trương giao đất theo Nghị định 163/NĐ-CP vì có lán chòi, ruộng và ao cá nên ông đã xin được giao cho gia đình thửa đất số 83, tờ bản đồ số 02 (diện tích là 63.255m2) thuộc khu vực khe Pùng mang tên con trai ông là Lô Văn Tới. Trong quá trình khai hoang, bên dưới ruộng có những viên đá to, bản thân ông cũng không biết là loại đá gì, rất khó khăn trong việc canh tác. Đến ngày 29/01, ông Huỳnh có thuê anh V.V.S đưa máy vào cải tạo ao ruộng. Quá trình cải tạo, anh S. có xin đào lấy đi các viên đá nằm dưới ruộng và không lấy tiền thuê máy cải tạo lại ruộng.
UBND xã Châu Hoàn đã nhắc nhở ông Lô Văn Huỳnh và V.V.S, việc tự ý thu gom đá trong quá trình cải tạo ao, ruộng mà không được sự cho phép của cấp có thẩm quyền là sai quy định của pháp luật. Với số lượng ít và lần đầu vi phạm, nên UBND xã chỉ nhắc nhở. Nếu không chấp hành còn cố tình vi phạm thì UBND xã sẽ xử lý theo quy định tại điều 43 Nghị định 36/ 2020 NĐ-CP của Chính phủ.
Đến ngày 20/02/2024, lực lượng chức năng xã Châu Hoàn tiếp tục kiểm tra, lập biên bản lần 2, yêu cầu tổ chức cá nhân, hộ gia đình chấm dứt hoạt động thu gom đá trong quá trình cải tạo ao, ruộng và đào đường keo, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đến đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23/02/2024, thì đối tượng V.V.S lén vận chuyển đá đi trái phép ra khỏi địa bàn và bị bắt tại xã thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An.
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Dũng chủ tịch UBND xã Châu Hoàn cho biết: “Nguyên nhân là do chính quyền xã chủ quan vì đã kiểm tra, lập biên bản và nhắc nhở cá nhân, hộ gia đình nên chưa theo dõi, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ đầu. Hơn nữa nhân dân cũng không biết được giá trị loại đá nằm dọc khe suối, ao, ruộng là loại đá gì nên lâu nay thường xem nhẹ, chủ quan đối với loại đá này. Trước đây, người dân thường nhặt về số lượng ít về đập ra xây bờ rào hoặc cho người khác lấy về tạo cảnh”.
“Lợi dụng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, trong lúc chính quyền và nhân dân đang lo đón Tết và tập trung chuẩn bị cho các hoạt động tết vì người nghèo, các hoạt động thể thao, văn nghệ để tham gia lễ hội Hang Bua… nên các đối tượng lợi dụng gom chuyển số đá cải tạo trên đất ao, ruộng của người dân vận chuyển đá trái pháp luật. Không có tình trạng cá nhân, tổ chức nào ở địa bàn cố tình bao che cho sai phạm”, ông Dũng cho biết thêm.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước đó, như Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã thông tin, ngày 22/02/2024, tại Quốc lộ 1A thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra xe ô tô đầu kéo, kéo theo rơ móc do L.M.K. (sinh năm 1988, trú tại huyện Nghĩa Đàn) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 83 tấn đá thạch anh thô không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ tang vật để điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Quá trình mở rộng vụ việc, lực lượng chức năng xác định số đá được vận chuyển nói trên là của đối tượng V.X.Tr. (sinh năm 1991, trú tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) mua của đối tượng V.V.S. (sinh năm 1992, trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) sau đó thuê K. vận chuyển đi tiêu thụ. Tiến hành kiểm tra tại khu vực tập kết đá của V.V.S. thuộc xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phát hiện hơn 400 tấn đá thạch anh thô. Đối tượng S. khai nhận, toàn bộ số đá nói trên được S. khai thác trái phép.
Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu Công an tỉnh Nghệ An không phát hiện việc xe vận chuyển tài nguyên trên đường quốc lộ để mở rộng điều tra phát hiện cả một bãi tập kết khủng của V.V.S (SN 1992, trú xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) thì liệu vụ việc có dừng lại ở mức độ trên không?. Vậy khoáng sản bị “đánh cắp”, cơ quan chức năng ở đâu và ai là người chịu trách nhiệm?.
Trước hết phải nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, chi ủy, cán bộ thôn xóm. Họ đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, không làm tốt công tác nắm bắt địa bàn, không dựa vào tai mắt là quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật khi vụ việc mới bắt đầu xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bảo Linh, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Châu cho biết: “Vụ việc khai thác đá thạch trái phép diễn ra vào dịp Tết, xã cũng có nắm được nhưng khi đó thấy bãi tập kết ít nên đã nhắc nhở. Sau đó, do không để ý thì nó gom lại nhiều, rồi chở đi. Ở xã Châu Hoàn có rất nhiều loại đá mồ côi, người dân thường xin, nhặt vài hòn đá về làm hòn non bộ. Hơn thế nữa, do người dân thiếu hiểu biết về giá trị của loại đá này nên đối tượng đã lợi dụng để đưa máy vào khai thác trái phép khi được thuê cải tạo ruộng vườn”.
Khi phóng viên đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của các bên liên quan đến vấn đề này như thế nào, ông Trần Bảo Linh cho biết: “Theo quản lý của Nhà nước các cấp liên quan như phòng tài nguyên, UBND huyện, UBND xã phải chịu trách nhiệm. Về hình thức văn bản thì rõ ràng là huyện không nắm đầy đủ. Do quản lý thế nào mà để cơ sở cũng không báo cáo kịp thời, cái này phải rút kinh nghiệm. Sau khi có kết quả, chắc chắn phải có sự kiểm điểm, trách nhiệm theo phân cấp”.
Theo Luật Sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát tại Hà Tĩnh cho rằng: “Hiện nay rất nhiều vụ trục lợi khoáng sản trái phép bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân để xảy ra thực trạng này là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan pháp luật”.
“Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp. Theo đó, UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc khai thác khoáng sản tại địa phương của mình, nếu để xảy ra hành vi vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, luật cán bộ, công chức hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan”, Luật sư Tuấn cho biết thêm.
Từng đưa ra quan điểm về vấn đề khai thác khoáng sản trái phép, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất,… Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của nhân dân.
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tuấn Quỳnh - Phan Quý