Thứ sáu, 19/04/2024 13:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/11/2022 11:50 (GMT+7)

Hàng loạt ngân hàng Trung ương trên toàn cầu điều chỉnh tăng lãi suất theo chân Fed

Theo dõi KTMT trên

Sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ tư liên tiếp tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm thì một loạt ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản nhằm đối phó lạm phát.

Mới đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố một đợt tăng lãi suất lớn khác dù hiểu rằng các nỗ lực của ngân hàng Trung ương này có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Đây là lần thứ tư liên tiếp tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất lên khoảng 3,75 - 4%. Đặc biệt, đây là lần tăng lãi suất thứ sáu của Fed kể từ tháng 3/2022.

Đối với các ngân hàng Trung ương khác, xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ đi lên gần như đã chắc chắn, tuy còn nhiều điều phải cân nhắc.

Hàng loạt ngân hàng Trung ương trên toàn cầu điều chỉnh tăng lãi suất theo chân Fed - Ảnh 1

Liệu rằng chu kỳ tăng lãi suất có sắp kết thúc?

Ngay sau quyết định của Fed, hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh cùng ngày 2/11 thông báo tăng lãi suất chủ chốt. Quyết định của Fed có vai trò định hướng chính sách tiền tệ của Vùng Vịnh, vì hầu hết các loại tiền tệ của khu vực được neo theo đồng USD.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực - đều tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Bahrain cũng tăng lãi suất chính thêm 75 điểm cơ bản.

Trong những tháng gần đây, các ngân hàng Trung ương ở một số nước phát triển đã tìm cách thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất.

Những nỗ lực này đã hứng chịu nhiều phản ứng dữ dội từ các nhà hoạch định chính sách toàn cầu và Liên hợp quốc. Họ cảnh báo rằng việc tăng lãi suất sẽ có tác động bất lợi tới các nền kinh tế đang phát triển vốn không có thị trường lao động linh hoạt.

Sang tháng 10, tốc độ và quy mô tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đã chậm lại đáng kể sau khi chạm mức đỉnh lịch sử hồi tháng Chín.

Theo thống kê của hãng tin Reuters: Các ngân hàng Trung ương giám sát bốn trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất toàn cầu đã đưa ra tổng mức tăng lãi suất 200 điểm cơ bản vào tháng trước.

Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đều đã tăng lãi suất cho vay.

Lãi suất ở các ngân hàng lớn còn lại không thay đổi, mặc dù không phải tất cả - chẳng hạn như Fed hoặc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) - đều tổ chức cuộc họp chính sách vào tháng 10.

Để so sánh, 8 trong số 10 ngân hàng Trung ương lớn nhất đã tăng lãi suất tổng cộng 550 điểm cơ bản vào tháng 9, đánh dấu tốc độ thắt chặt nhanh nhất trong ít nhất hai thập kỷ.

Các động thái mới nhất đã nâng tổng mức tăng lãi suất từ đầu năm 2022 tới nay của các ngân hàng Trung ương thuộc nhóm trên lên 2.050 điểm cơ bản.

Chuyên gia Marko Kolanovic tại ngân hàng JPMorgan cho biết: Tốc độ thắt chặt chính sách của các ngân hàng Trung ương có thể đã đạt đỉnh.

Theo ông Kolanovic: Những lời lẽ ôn hòa hơn từ ECB, BoC, Fed và RBA gần đây cho thấy tốc độ điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng Trung ương có thể chậm lại trong những tháng tới, dù vẫn còn sớm để đánh giá liệu điều này có đồng nghĩa với việc lãi suất cuối kỳ thấp hơn dự báo hay không.

Số liệu từ các ngân hàng Trung ương của các thị trường mới nổi cũng vẽ nên một bức tranh tương tự.

Hàng loạt ngân hàng Trung ương trên toàn cầu điều chỉnh tăng lãi suất theo chân Fed - Ảnh 2
Các ngân hàng Trung ương liên tục buộc phải tăng lãi suất để kìm chế lạm phát.

Năm trong số 18 ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất tổng cộng 325 điểm cơ bản trong tháng 10 - chưa bằng một nửa so với mức của tháng 9 và thấp hơn nhiều so với mức 800 điểm cơ bản tính chung trong cả tháng 6 và tháng 7.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các trường hợp hiếm hoi, nơi Tổng thống Tayyip Erdogan đang thúc đẩy lãi suất thấp hơn và đưa ra mức cắt giảm lãi suất tới 150 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 10. Mức giảm này lớn hơn dự kiến mặc dù lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đang trên mức 80%.

Tại châu Á, các ngân hàng Trung ương của Philippines và Indonesia trong chiều 22/9 cũng đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Với động thái này, lãi suất của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019 là 4,25%.

Trong khi đó, đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Indonesia tăng lãi suất cơ bản đề kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ, điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.

Chính quyền đặc khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.

Quý II vừa qua đánh dấu lần thứ 2 trong vòng 3 năm qua đặc khu Hong Kong rơi vào suy thoái, chủ yếu do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt gây đình trệ các hoạt động kinh tế. Chính quyền Hong Kong cảnh báo nhiều khả năng tình trạng kinh tế suy thoái sẽ kéo dài ít nhất là hết năm nay.

Trong khi một loạt nước tăng lãi suất sau quyết định của Fedtăng lãi suất, Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, đến nay vẫn chưa có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn cuối cùng có ngân hàng Trung ương ở mức âm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức âm 0,1% hôm 22/9.

Tuy nhiên, chiều cùng ngày, BoJ đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng yên. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm kể từ năm 1998, Nhật Bản thực hiện động thái này.

Cuộc chiến chống lạm phát chưa thấy điểm dừng

Lạm phát tăng nóng trên toàn cầu trong hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.  Nếu tình trạng này càng kéo dài, lạm phát có nguy cơ trở thành một đặc điểm ăn sâu vào nền kinh tế, khiến tiền lương phải đuổi theo giá cả và giá cả phải đuổi theo tiền lương. Điều này đã từng xảy ra vào những năm 1970, khi nền kinh tế Mỹ hứng chịu những đợt tăng giá ngoài tầm kiểm soát trong nhiều năm và Fed đã phải hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát.

Tờ New York Times cho rằng: Cuộc đua nâng lãi suất của ngân hàng Trung ương có thể ​​sẽ gây ra nhiều hậu quả. Điển hình là việc Fed dự báo, các động thái thắt chặt mạnh tay hiện tại sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên 4,4% vào năm 2023, từ mức 3,7% hiện tại.

Lãi suất leo thang đang làm cho việc vay tiền để mua một chiếc xe hơi hoặc một ngôi nhà ở nhiều quốc gia trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất thế chấp ở Mỹ lần đầu tiên trở lại vượt ngưỡng 6% kể từ năm 2008 trong bối cảnh thị trường nhà ở đang hạ nhiệt. 

“Thị trường tài chính chao đảo trong năm nay trước cuộc đua nâng lãi suất gay gắt từ các ngân hàng Trung ương, vốn liếng của doanh nghiệp bốc hơi và tài sản của các hộ gia đình cũng giảm sút. Hậu quả đầy đủ có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để cảm nhận được”, New York Times bình luận.

Bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu, cả Fed và nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới đang coi nhiệm vụ kiên quyết là chống lại lạm phát. 

“Lần đầu tiên sau bốn thập kỷ, các ngân hàng Trung ương cần chứng minh họ quyết tâm bảo vệ ổn định lạm phát đến như thế nào”, Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của ECB, nói.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt ngân hàng Trung ương trên toàn cầu điều chỉnh tăng lãi suất theo chân Fed. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .