Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng mạnh khiến dòng tiền chuyển hướng
Cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay, có ngân hàng huy động trên 11%/năm. Việc lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng khiến dòng tiền có sự dịch chuyển.
Lãi suất ngân hàng tháng 11/2022 tăng vọt
Theo biểu lãi suất cập nhật mới nhất vào đầu tháng 11/2022, lãi suất cao nhất gửi tại quầy thời hạn từ 1 - 3 tháng là 6,0% tại các ngân hàng BacABank, DongABank, KienlongBank, PGBank, SCB, VIB.
Các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động không chênh lệch nhiều, từ 4,0 - 5,9%. Thấp nhất là ngân hàng ABBank với 3,65% cho kỳ hạn 1 tháng; ngân hàng CBBank, VietCapitalBank là 3,9% cho kỳ hạn 3 tháng.
Với kỳ hạn 6 tháng, Saigonbank giữ mức lãi suất cao nhất so với các ngân hàng còn lại là 8,0%. Các ngân hàng thuộc Big4 (BIDV, Vietcombank, VietinBank) với mức lãi suất cán mốc 6,0%/năm, riêng ngân hàng Agribank là 6,1%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB với mức lãi suất 8,8%. Thấp nhất là 6,0%/năm thuộc về ngân hàng Hong Leong.
Ở những kỳ hạn dài hơn, ngân hàng SCB có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất với 8,8%/năm cho kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Đối với biểu lãi suất gửi trực tuyến (online), khá nhiều ngân hàng hiện nay có mức lãi suất hấp dẫn, lên đến 6,0% với kỳ hạn 1 tháng, gồm: BacABank, KienlongBank, PVcomBank, SCB, VIB, TPBank.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 4,0 - 6,0%; thấp nhất là ngân hàng CBBank, VietCapitalBank với 3,95%/năm.
Tại các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất với 9,15% cho kỳ hạn 12 tháng, 9,30% cho kỳ hạn 18 - 36 tháng. Đây chính là mức lãi suất cao nhất trong tháng 11/2022.
Các nhà phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định :Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5 - 1% lãi suất điều hành vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá.
Dòng tiền có sự dịch chuyển
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính: Với lãi suất tiết kiệm tăng mạnh đã khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở ngân hàng trước việc thanh khoản thị trường chứng khoán, bất động sản giảm mạnh và nhiều biến động.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng: Gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hiện nay là kênh đầu tư tốt nhất.
Còn theo khuyến cáo của ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam chia sẻ rằng: Nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu trong giai đoạn này, trừ cổ phiếu xấu thì có thể cân nhắc cơ cấu danh mục. Với nhà đầu tư đang cầm tiền muốn giải ngân, dù vùng giá hiện tại của thị trường rất hấp dẫn, song chỉ phù hợp với nhà đầu tư mua tích lũy trung và dài hạn, không phù hợp với nhà đầu tư muốn bắt đáy lướt sóng ngắn hạn.
Với bất động sản, theo các chuyên gia, thanh khoản thị trường thời gian tới vẫn sẽ thấp do doanh nghiệp bất động sản khát vốn, nhà đầu tư thận trọng. Thị trường bất động sản cũng có sự phân hóa rõ nét: phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (nhất là căn hộ) vẫn tăng giá do khan hiếm nguồn cung, trong khi bất động sản đầu cơ đang giảm giá khá mạnh. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng đã phải giảm giá cắt lỗ bất động sản bởi không chịu nổi gánh nặng lãi vay.
Với các phân tích trên, nhiều chuyên gia cho rằng, kênh tiết kiệm chính là kênh an toàn và là thời điểm tốt cho người gửi tiết kiệm khi lãi suất vẫn có xu hướng nhích lên. Bởi trần huy động đã được nâng lên, cho phép các ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, người dân nên lựa chọn các ngân hàng có uy tín cao, quy mô hoạt động lớn và bền vững gắn liền với các mức lãi suất huy động vốn vừa phải để gửi tiết kiệm.
Giới chuyên gia dự báo lãi suất ngân hàng thời gian tới sẽ khó hạ nhiệt, cả trong huy động và cho vay.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.
“Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND“, Thống đốc cho hay.
Hải Anh