Ngân hàng nào đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay?
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) chính thức áp dụng mức lãi suất mới cho sản phẩm tiền gửi Happy Future từ ngày 26/10/2022, với mức lãi suất huy động 11% hiện là mức cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng.
Theo đó, mức lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu ở kỳ hạn 9 tháng, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm,…
Theo biểu lãi suất niêm yết của Nam A Bank, mức lãi suất huy động 11% hiện là mức cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu, 6 tháng sau lại hưởng lãi suất chưa đến 6%/năm, tính chung nếu khách hàng gửi tiền 9 tháng theo sản phẩm này thì thực lãi trong 9 tháng chỉ là 7,63%/năm.
Được biết, sản phẩm Happy Future của Nam Á Bank có các kỳ hạn gửi 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Trong đó, kỳ hạn từ 2-6 tháng ngân hàng trả lãi 5,59%; kỳ hạn 9 tháng trả lãi lên tới 11% trong 3 tháng đầu, 6 tháng cuối áp dụng mức lãi 5,59%.
Các kỳ hạn 12-18-24-36 tháng, Nam Á Bank cũng trả mức lãi cao trong 6-12-18-30 tháng đầu lần lượt là 9,9%-8,9%-8,4%-7,9%; 6 tháng cuối áp dụng mức lãi 5,59%.
Đối với sản phẩm tiền gửi thông thường từ ngày 28/10, mức lãi suất cao nhất được Nam A Bank áp dụng là 8,5%/năm dành cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Trong trường hợp khách hàng gửi tiền theo hình thức trực tuyến, mức lãi suất 8,5%/năm được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trước khi Nam Á Bank đưa ra biểu lãi suất mới, mức lãi suất cao nhất thị trường thuộc về Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). NCB đã đưa ra mức lãi suất 10,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, áp dụng từ ngày 27/10. Tuy nhiên NCB cho biết, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, lĩnh cuối kỳ. Đặc biệt, khách hàng phải liên hệ với chi nhánh NCB trước khi mang tiền đến gửi và có sự đồng ý của ngân hàng.
Còn đối với các khoản tiền gửi thông thường, NCB áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 8,95%/năm cho các kỳ hạn 24, 30, 36 và 60 tháng tại sản phẩm Tiết kiệm An Phú theo hình thức gửi tiền online; kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng được hưởng lãi suất 8,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hưởng lãi suất 8,75%.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai kể từ năm 2020, các ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất huy động. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện là 6%/năm.
Theo các công ty chứng khoán, quyết định trên sẽ tạo điều kiện cho lãi suất tiết kiệm tăng lên nhanh chóng từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra, theo nhóm phân tích của VnDirect, kịch bản trên xuất phát từ nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng nhờ hạn mức tín dụng mới và chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng với huy động ngày càng cao. Các yếu tố vĩ mô toàn cầu cũng có tác động, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm và đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, việc nâng lãi suất điều hành giúp cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, cũng phù hợp với diễn biến lạm phát, tỷ giá trên thế giới.
Chuyên gia của Chứng khoán SSI cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5-1 điểm % nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.
Lan Anh