Thứ sáu, 22/11/2024 00:07 (GMT+7)
Thứ năm, 11/01/2024 15:50 (GMT+7)

Hải Phòng: Cần làm rõ việc đổ phế thải san lấp gây ô nhiễm tại huyện Thủy Nguyên

Theo dõi KTMT trên

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh xử lý việc dùng chất thải san lấp trên diện tích hàng nghìn m2 tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Theo các nghiên cứu khoa học việc dùng các chất thải rắn tích lũy dưới đất trong thời gian dài sẽ khiến đất bị ảnh hưởng. Chất thải xây dựng khó phân hủy như gạch, ngói, thủy tinh, dây cáp, bê tông, kim loại, chất độc ô nhiễm còn có thể thâm nhập vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn và nước uống dẫn đến hàng loạt nguy cơ đến sức khỏe người dân.

Hải Phòng: Cần làm rõ việc đổ phế thải san lấp gây ô nhiễm tại huyện Thủy Nguyên - Ảnh 1
San lấp hàng nghìn tấn rác thải tại ven đê xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.

Sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng để cho các nhà thầu thay vì đổ cát công trình theo hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công đã dùng chất thải xây dựng để san lấp nền, hàng nghìn khối vật liệu thải từ các công trình được đơn vị thi công dùng để san lấp mặt bằng tại các dự án không đúng theo quy định về tiêu chuẩn trong thi công, tác động đến môi trường đất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Hải Phòng: Cần làm rõ việc đổ phế thải san lấp gây ô nhiễm tại huyện Thủy Nguyên - Ảnh 2
Hải Phòng: Cần làm rõ việc đổ phế thải san lấp gây ô nhiễm tại huyện Thủy Nguyên - Ảnh 3
Hàng nghìn tấn chất thải phế liệu sẽ bị lèn chặt và ngày càng phình to gây hậu quả rất lớn đến môi trường tại ven đê xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng để tránh nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người, hoạt động này cần phải được quản lý chặt chẽ từ đầu ra.

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên phản ánh về tình trạng san lấp chất thải như bã bê tông, bùn đất, gạch vỡ, nilong… tại khu đất trống ven đê thuộc địa bàn xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Nhận được phản ánh, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại hiện trường. Theo quan sát, đúng như những gì người dân phản ánh. Tại mặt bằng khu đất trống hàng nghìn m2 này được đổ san lấp ngổn ngang hàng nghìn tấn chất thải như bã bê tông, bùn đất, gạch vỡ, nilong…

Thông tin từ người dân tại xã Kiền Bái cho biết, khu đất trống này được xây dựng làm kho, bãi, còn chủ đầu tư của dự án này là đơn vị nào thì không rõ.

Sau khi Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận thực tế, ngày 9/1, Phóng viên đã có buổi làm việc tại UBND xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP, Hải Phòng.

Trao đổi với Phóng viên, ông Trần Văn Dương - Chủ tịch xã Kiền Bái (Thủy Nguyên) cho biết: “Khu đất trống này là đất nông nghiệp được quy hoạch xây dựng làm kho, bãi theo kế hoạch của thành phố, nhưng hiện tại chưa được thu hồi. Việc chất thải đổ về đó san lấp là do mấy nhà thầu mang về đó đổ trộm, hiện địa phương đã tìm hiểu và lập biên bản các đơn vị đổ thải tại bãi đất trống đó nhưng các đơn vị nhà thầu không thừa nhận là mình đổ”.

Theo các quy định pháp luật hiện hành, người chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã, căn cứ quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật đất đai 2013:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.

Theo TS.Tống Tôn Kiên - Khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng, PTXD rất phong phú và đa dạng về chủng loại. Chất lượng vật liệu này cũng rất khác nhau khi thu gom từ các nguồn, công trình. "Các thành phần chính của PTXD bao gồm các mảnh vỡ của bê tông xi măng; gạch đất nung, gạch ceramic ốp, lát; vữa xi măng - cát, vữa tam hợp vôi - xi măng; kính xây dựng; thạch cao xây dựng... Tất cả đều có khả năng tái chế thành các loại vật liệu thông dụng phù hợp với yêu cầu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Có thể dùng tất cả các loại phế thải xây dựng làm vật liệu san nền cho công trình, làm cốt liệu tái chế cho bê tông và vữa xây dựng" - TS Tống Tôn Kiên cho hay.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, việc tận dụng phế thải làm vật liệu tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt đang ngày đêm bị khai thác, tận dụng các loại vật liệu phế thải tại công trường giảm chi phí vận chuyển, đồng thời, tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới từ nguyên liệu tự nhiên, tăng hiệu quả dự án. Tuy nhiên hiện thực hóa, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật để có thể tái sử dụng làm những loại VLXD phù hợp.

Các cốt liệu tái chế từ PTXD có cấu tạo rỗng xốp và nhẹ hơn cốt liệu tự nhiên. Phế thải từ kết cấu bê tông có thể dùng làm cốt liệu lớn cho bê tông. Phế thải từ hỗn hợp phế thải, phế thải tường và vữa có thể dùng làm cốt liệu nhỏ cho bê tông và vữa tái chế.

Các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường chặt chẽ có biện pháp xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Còn nếu không kịp thời phát hiện, hàng nghìn tấn chất thải phế liệu sẽ bị nèn chặt và ngày càng phình to gây hậu quả rất lớn đến môi trường.

Trong khi đó, các loại chất thải rắn như phế liệu xây dựng, đất thải sẽ mang theo nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và những hệ lụy lâu dài. Chính vì vậy, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu chỉ xử lý phần ngọn như hiện nay, vấn nạn san lấp bằng đủ thứ vật liệu nguy hại môi trường sẽ không được giải quyết.

Riêng về quản lý phế thải xây dựng, nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, rằng các cơ quan quản lý địa phương, lực lượng chức năng cần kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt là những nơi có dự án, có nguồn phát sinh phế liệu xây dựng, vật liệu thải bỏ. Kiểm soát khối lượng ở cả nơi đi, nơi đến của chất thải cũng như trong quá trình vận chuyển theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 08/2017/TT- BXD quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng của Bộ Xây dựng.

Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng; tránh tình trạng chất thải rắn bị sử dụng làm vật liệu san lấp hoặc bị đem đổ trộm.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Trần Đông - Duy Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Cần làm rõ việc đổ phế thải san lấp gây ô nhiễm tại huyện Thủy Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.