Thứ năm, 28/03/2024 17:56 (GMT+7)
Thứ tư, 09/09/2020 10:30 (GMT+7)

Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng

Theo dõi KTMT trên

Các con sông tại Hải Phòng đang ngày càng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, chất thải chăn nuôi… gây ra. Ngoài nguy cơ ô nhiễm, nguồn nước phục vụ cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố còn rơi vào tình trạng cạn kiệt, thiếu nước, bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.

Theo Cổng tin tức thành phố Hải Phòng, nguồn nước ngọt của thành phố chủ yếu được khai thác từ 6 con sông là: sôngRế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng. Với lưu lượng khoảng 78 triệu m3, hệ thống sông, kênh kể trên đang cung cấp đủ nước ngọt cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân thành phố.

Tuy nhiên, vào một số thời điểm trong năm, sông Rế – con sông đang cung cấp phần lớn lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sạch – xuất hiện tình trạng thiếu nước do hoạt động trữ nước đầu nguồn của tỉnh Hải Dương trên thượng lưu hệ thống thủy lợi An Kim Hải để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sông Giá, sông Đa Độ cũng đang có hiện tượng bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua. Đặc biệt, chất lượng các nguồn nước đang trong tình trạng báo động do ô nhiễm.

Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng - Ảnh 1
Nhà dân xây dựng lấn chiếm lòng sông và trực tiếp xả nước thải xuống nguồn nước. (Nguồn: An ninh Hải Phòng)

Nguồn cấp nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề

Theo số liệu về các chỉ tiêu phân tích, giám sát chất lượng nước ngọt cho thấy cơ bản chất lượng nước tại các nguồn nước ngọt vẫn đang đảm bảo theo quy chuẩn việt nam về nước mặt – QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong các năm gần đây, nguồn nước ngọt tại một số điểm trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm, đặc biệt như năm 2018, 2019 thì chỉ tiêu như Mangan, Nitrit, các chất hữu cơ, Amoni, dầu mỡ và coliform đều tăng cao, vượt quy chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt.

Sông Rế đang cung cấp 80% nước thô sản xuất nước sạch cho thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, nguồn nước này đang bị ô nhiễm nặng nề, các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, nhiều thời điểm vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt.

Theo kết quả phân tích mẫu nước sông Rế ngày 16/10/2019 của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải (đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi An Kim Hải), chỉ số Permanganat đo được là 8,86mg/L (tiêu chuẩn cho phép không quá 5,26%); chỉ số Amoni (N) đo được 4,60mg/L (chỉ số cho phép không vượt quá 0,30mg/L); chỉ số Mangan là 0,272 (chỉ số cho phép không vượt quá 0,200mg/L).

Ngoài ra, kết quả khảo sát của 2 đơn vị trên vào ngày 22/10/2019 cho thấy, sông Rế còn tồn tại 3 điểm đen gây ô nhiễm. Điểm thứ nhất là cống An Trì (phường Hùng Vương, Hồng Bàng), điểm thứ 2 nằm trên đoạn cửa xả mương thoát nước thông Quỳnh Hoàng (xã Nam Sơn, An Dương), điểm thứ 3 là kênh Hỗ Đông (xã Hồng Phong, An Dương).

Qua khảo sát của ngành chức năng, thời điểm tháng 3/2020, trên địa bàn thành phố có khoảng 467 doanh nghiệp xả nước thải vào nguồn nước ngọt của thành phố (hệ thống công trình thủy lợi) nhưng đến nay mới có 98 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Ngoài ra còn có 44 doanh nghiệp nằm trong hai cụm công nghiệp (CCN) chưa được cấp giấy phép xả nước thải.

Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng xác định kênh Bắc Nam Hùng là một trong những nguồn gây ô nhiễm trầm trọng cho sông Rế. Mặt nước nổi váng, đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến kênh Bắc Nam Hùng từ lâu được coi là dòng kênh ô nhiễm nhất thành phố.

Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng - Ảnh 2
Dọc kênh Bắc Nam Hùng xuất hiện nhiều cửa xả gây ô nhiễm môi trường. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)

Hai bên bờ sông Rế đoạn chảy qua trị trấn An Dương là khu công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, các doanh nghiệp dọc quốc lộ 5, trại chăn nuôi, bãi rác tạm… khiến tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng.

Ngoài sông Rế, nước ngọt của TP.Hải Phòng còn được lấy từ sông Giá, sông Chanh Dương, sông Đa Độ, kênh Hòn Ngọc… Dọc theo những con sông này, các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước mọc lên ngày càng nhiều. Hồi tháng 11/2019, nước thô cho hai nhà máy nước Cầu Nguyệt, Hưng Đạo lấy từ sông Đa Độ cũng bị nhiễm mặn nặng.

Theo Cổng tin tức thành phố Hải Phòng, từ đầu tháng 11/2019, người dân tại các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã của của các huyện An Dương, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng phản ánh nước sinh hoạt có vị lợ bất thường. Đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã vào cuộc xác minh. Theo ông Cao Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, nước sinh hoạt có vị lợ là do chất lượng nguồn nước thô sông Đa Độ (một trong 4 con sông cấp nước thô cho thành phố Hải Phòng) đang bị nhiễm mặn, có thời điểm lên hơn 300 mg, vượt ngưỡng cho phép (250 mg/l).

Các nguồn gây ô nhiễm ngày càng nhiều

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, 4 con sông cung cấp nguồn nước chính của Hải Phòng đang bị đe dọa bởi 124 điểm có nguy cơ gây ô nhiễm và tình trạng nhiễm mặn ngày càng đáng lo ngại.

Năm 2019, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng kiểm soát khoảng 1.700 mẫu nước thô, trong đó, nhiều chỉ tiêu nước không đạt quy chuẩn (nhất là vào mùa mưa) và có chiều hướng gia tăng là hợp chất hữu cơ, amoni, nitrit, mangan…

Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng - Ảnh 3
Nhà xưởng xây dựng sát mép nước, xả thải xuống nguồn nước. (Nguồn: An ninh Hải Phòng)

Bên cạnh nguồn ô nhiễm do xả thải từ các nhà máy, các làng nghề cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 39 làng nghề với nhiều loại ngành nghề khác nhau, hầu hết các làng nghề sản xuất với quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phân tán trên địa bàn rộng, điều kiện hạ tầng còn thiếu thốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trình độ lao động hạn chế.

Đặc biệt, phần lớn các làng nghề đều chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và cũng chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Ngoài nguy cơ ô nhiễm, nguồn nước để cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố còn rơi vào tình trạng cạn kiệt, thiếu nước, bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu. Cụ thể, tháng 11/2019, độ mặn tăng cao tại tất cả các hệ thống thuỷ lợi. Điển hình là ở sông Đa Độ, độ mặn tăng gấp 2 lần so với quy chuẩn, tăng 50 lần so với độ mặn thông thường tại đây khiến chất lượng nước cung cấp cho gần 50.000 hộ dân khu vực này bị ảnh hưởng.

Nguồn nước bị nhiễm mặn sẽ diễn ra hàng năm, trong khi các nhà máy xử lý nước Hưng Đạo và Cầu Nguyệt (lấy nước thô từ sông Đa Độ) chưa có công nghệ xử lý độ mặn trong nước thô, nên buộc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng phải tìm giải pháp xử lý. “Một phần nguyên nhân của sự nhiễm mặn là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các đơn vị thủy lợi kiểm soát chặt chẽ hơn độ mặn tại các cửa cống lấy nước và vận hành hệ thống thủy lợi với ưu tiên mục đích cấp nước sinh hoạt”, ông Cao Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng cho biết.

Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng - Ảnh 4
Sông Đa Độ gần đây đã có dấu hiệu nhiễm mặn.

Kiểm soát để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước

Để xử lý vấn đề ô nhiễm, cuối năm 2019, Sở TN&MT đã đề nghị thành phố giao cho các công ty khai thác công trình thủy lợi tập trung thực hiện nhiều biện pháp điều tiết, thay đổi nguồn nước cấp cho các nhà máy nước, kênh Bắc Nam Hùng sẽ được đầu nối với sông Lạch Tray thay cho sông Rế.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng cho biết, để duy trì ổn định nguồn nước thô cho sản xuất nước sinh hoạt, công ty này đã tích cực kết hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô từ đầu nguồn đến các điểm thu nước. Thực hiện quy trình vận hành, thau đảo nguồn nước hợp lý.

Ngoài ra, Công ty CP Cấp nước lắp đặt thiết bị quan trắc online cho tất cả nhà máy nước, các trạm bơm để quan trắc các chỉ tiêu pH; độ dẫn điện, độ đục, clo dư; đầu tư hệ thống SCADA tự động hoá các nhà máy nước, hệ thống ISO 9001:2015 và kế hoạch cấp nước an toàn…

Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng - Ảnh 5
Nước sông Rế đoạn chảy qua huyện An Dương đang bị ô nhiễm. (Nguồn: Báo TN&MT)

Với một địa phương như Hải Phòng, khi nguồn nước phục vụ sản xuất và nước thô sản xuất nước sinh hoạt phụ thuộc 100% các hệ thống thủy lợi trên thì việc ô nhiễm ngày càng gia tăng, tình trạng xả thải ngày càng nhiều thì việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai gần là điều dễ xảy ra.

Cùng với các biện pháp ngăn điểm tiêu thoát, thay đổi dòng chảy, các cơ quan chức năng của TP.Hải Phòng cần phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các “điểm nóng” về ô nhiễm để bảo đảm nguồn cấp nước sạch phục cho người dân.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm 'tấn công' nguồn nước sinh hoạt tại Hải Phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.