Nhiều công trình nước sạch ở miền núi bị bỏ hoang
Các tỉnh miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nơi đây đã được đầu tư hàng nghìn công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân, khắc phục việc sử dụng nguồn nước thiếu vệ sinh. Thế nhưng, bên cạnh đó, không ít các công trình nước sạch lại đang bị bỏ hoang, gây thất thoát, lãng phí tài sản…
Một bể chứa của công trình cấp nước tự chảy bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị hư hỏng. |
BÀI 1: Bể khô, dân “khát”
Từ khi có các CTCN sinh hoạt, người dân các tỉnh miền núi đã được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, giúp chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên hiện nay, nhiều CTCN sinh hoạt, nhất là công trình nước tự chảy do sử dụng lâu năm; không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên hoặc mất nguồn cấp; đang rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Vì vậy, ở một số nơi, người dân “khát” nước ngay bên CTCN sinh hoạt.
Công trình “đắp chiếu”
Quan Hóa là huyện biên giới, vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn có hơn 11 nghìn hộ dân với năm dân tộc (Thái, Mường, Kinh, H’Mông và Hoa) sinh sống. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT); Chương trình 134, 135; chương trình tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ…, Quan Hóa đã xây dựng được hàng trăm CTCN sinh hoạt cho nhân dân. Qua đó, giúp nhiều hộ được tiếp cận nguồn nước bảo đảm vệ sinh, hạn chế sử dụng nguồn nước ô nhiễm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trần Văn Hùng chia sẻ: “Hiện trên địa bàn huyện, tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 88%. Toàn huyện hiện có 104 công trình nước sinh hoạt tự chảy nhưng có tới 44 công trình đang không hoạt động hiệu quả do hư hỏng, xuống cấp hoặc không hoạt động được vì mất nguồn cấp”.
Thí dụ như công trình nước sinh hoạt tự chảy bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa được xây dựng từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia NS và VSMTNT với tám bể chứa cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 220 hộ dân (1.222 nhân khẩu). Nhưng sau một thời gian sử dụng, do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cho nên đã có hai bể chứa bị hỏng, sáu cái còn lại cũng đang xuống cấp, nứt, đường ống hư hỏng. Do công trình “đắp chiếu”, người dân bản Khằm phải tự đi mua ống lấy nước trực tiếp từ trên mó (hang nước) xuống sử dụng. Hoặc nhiều gia đình góp tiền lên đến hàng chục triệu đồng để đào giếng khoan lấy nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Chị Phạm Thị Mai, ở bản Khằm cho biết: “Trước đây, chúng tôi phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày. Từ khi có công trình nước sinh hoạt tự chảy, chúng tôi vui lắm bởi từ nay đã có nguồn nước bảo đảm sử dụng. Nhưng mấy năm nay công trình bị hỏng, không cấp được nước cho các hộ dân nữa. Ðể có nước sử dụng, gia đình tôi phải xây dựng một bể chứa nước, sau đó mua 3 km đường ống với giá ba đến bốn triệu đồng lấy nước trực tiếp từ mó ở trên núi về. Vào mùa khô, nước từ mó cạn, gia đình phải dùng tiết kiệm mới đủ”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Trưởng bản Khằm, Hà Văn Thìn cho biết: “Công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, lãnh đạo thị trấn Hồi Xuân đã giao cho một tổ vận hành, thường xuyên kiểm tra phát hiện sự cố để khắc phục. Mặc dù vậy, khi phát hiện sự cố, những người trong tổ cũng chẳng biết xử lý thế nào. Cứ như vậy, theo thời gian, tình trạng hư hỏng, xuống cấp ngày càng nghiêm trọng dẫn đến công trình không hoạt động được. Ðể bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, người dân trong bản đã đề nghị lãnh đạo thị trấn Hồi Xuân có phương án khắc phục. Nhưng nhiều năm nay, việc sửa chữa chưa được thực hiện dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô”.
Làm đơn “thanh lý” công trình
Việc làm đơn “thanh lý” công trình khi đang không có nước hợp vệ sinh sử dụng chuyện tưởng như đùa nhưng lại đang xảy ra tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Theo đó, công trình nước sinh hoạt tự chảy Suối Hang được đầu tư bằng nguồn kinh phí hơn 700 triệu đồng từ Chương trình 134. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007, cung cấp nước cho 83 hộ dân xóm Suối Hang, nhưng sau một thời gian do nguồn nước cấp bị hết cho nên công trình dừng hoạt động và xuống cấp.
Chị Vũ Thị Nguyệt, cán bộ xã Yên Ninh cho biết: “Khi hoàn thành, công trình bàn giao cho xóm quản lý nhưng do không còn nguồn cấp và hư hỏng cho nên năm 2018, xóm đề nghị thanh lý công trình nước này. Qua kiểm tra, UBND xã nhận thấy, công trình không thể khắc phục được cho nên có văn bản đề nghị huyện Phú Lương lập biên bản thanh lý. 83 hộ dân trong xóm chuyển sang sử dụng nước giếng khoan hoặc mua đường ống dẫn nước từ trên mó về dùng”.
Theo Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Trung tâm NS và VSMTNT Thái Nguyên) Ngô Quang Trung, hằng năm, trung tâm có thống kê các công trình nước bị hư hỏng, xuống cấp để xin kinh phí khắc phục. Nhưng do không có nguồn kinh phí, việc sửa chữa không thể thực hiện được. Ðến nay, toàn tỉnh có 20 công trình nước sinh hoạt tự chảy xuống cấp nghiêm trọng, không thể khắc phục cho nên trung tâm đã đề nghị tỉnh xóa tên các công trình này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 234 CTCN sinh hoạt nhưng có khoảng 20% công trình đang không hoạt động hiệu quả. Có nhiều công trình chỉ mới đi vào hoạt động được vài năm thì xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa cho nên dừng lại.
Còn tại Thanh Hóa, Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Ðỗ Doãn Thành cho biết: “Hiện nay, tỉ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh đạt khoảng 95%. Trên địa bàn 11 huyện miền núi đã xây dựng được 499 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Trong đó, có 20% công trình bị hư hỏng do nứt, rò rỉ ống dẫn nước, thiếu nguồn cấp, các bể lắng bị đất bồi lấp… cho nên không hoạt động được”. Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện nay có khoảng 640 CTCN sinh hoạt nhưng nhiều công trình đang hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động được.
Khó xã hội hóa việc cấp nước
Tại các tỉnh đồng bằng, người dân sinh sống tập trung, điều kiện địa hình thuận lợi cho nên dễ kêu gọi xã hội hóa cấp nước sinh hoạt từ nhiều doanh nghiệp tư nhân. Ðối với các tỉnh miền núi, nhằm bảo đảm nhu cầu cấp nước cho người dân, các địa phương đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xã hội hóa cấp nước. Tuy nhiên, việc kêu gọi đang gặp không ít khó khăn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Giám đốc Trung tâm quốc gia NS và VSMTNT Lương Văn Anh cho biết: “Cái khó trong việc xã hội hóa lĩnh vực cấp nước ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay đó là ít doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư. Bởi vì, ở những nơi này điều kiện địa hình rất khó khăn, dân cư không tập trung, số lượng sử dụng ít và khi xây dựng các doanh nghiệp phải đầu tư vốn nhiều trong việc kéo ống đến từng hộ dân. Do đó, muốn xây dựng các công trình cấp nước nơi đây, các địa phương cần tranh thủ các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân bằng ngày công lao động hoặc các nhà tài trợ”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trần Văn Hùng cho biết: “Những năm qua, UBND huyện đã kêu gọi một số doanh nghiệp vào đầu tư nhằm xã hội hóa việc cung cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, khi đến khảo sát, UBND huyện chỉ nhận được cái “lắc đầu” từ phía doanh nghiệp bởi huyện ở địa bàn vùng cao, dân cư sống không tập trung. Nếu đầu tư công trình nước thì cần nguồn vốn lớn để kéo đường ống bắc qua đồi, núi. Hơn nữa, nếu thu phí tiền nước thì sẽ rất ít người dân sử dụng vì điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, việc thu lại vốn sau đầu tư đối với doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại chứ chưa nói đến lợi nhuận”.
Ở tỉnh Thái Nguyên, hiện nay mới có hai hoặc ba doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sinh hoạt. Mặc dù UBND tỉnh rất quan tâm vấn đề này nhưng hiện nay, việc xã hội hóa cấp nước vẫn gặp nhiều trở ngại vì điều kiện địa hình, nhu cầu sử dụng của nhân dân thấp, suất đầu tư cao cho nên doanh nghiệp không mặn mà.
Hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng cũng trong tình cảnh tương tự khi việc xã hội hóa cấp nước sinh hoạt ở miền núi hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi người dân hiến đất, tham gia ngày công lao động xây dựng công trình, còn các doanh nghiệp vào đầu tư chưa có. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Công Doanh cho biết: “Do địa hình khó khăn, các doanh nghiệp khó có thể đầu tư các công trình cấp nước lớn cho một xã hoặc liên xã. Hơn nữa, hiện trạng nguồn nước không bảo đảm đủ nguồn, số hộ dân sinh sống thưa dẫn đến suất đầu tư cao, khả năng hoàn vốn của các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn”.
(Còn nữa)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia NS và VSMTNT các giai đoạn từ 1998-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh nông thôn, việc cấp nước sạch nông thôn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ðến hết năm 2019, có gần 90% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó gần 51% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. |