Thứ năm, 02/05/2024 12:20 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/08/2023 06:50 (GMT+7)

Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Tại công văn chỉ đạo, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng rà soát các Quy chuẩn kỹ thuật địa phương liên quan đến nước thải; nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải.

Cùng với đó, khẩn trương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông nhánh trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 và tổ chức thực hiện theo quy định; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải - Ảnh 1
Hệ thống sông Bắc Hưng Hải nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề

Các sở, ngành khẩn trương rà soát, tích hợp các khu xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tập trung vào Quy hoạch tỉnh; điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu đối với toàn bộ các nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để phục vụ cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải trên địa bàn tỉnh.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, cần tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền kiên quyết không cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định... 

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp rà soát, tham mưu quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung để tích hợp trong quy hoạch tỉnh, trình phê duyệt theo quy định. Tiếp tục tạm dừng thu hút các dự án đầu tư thuộc nhóm ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 2.2.2021 của UBND tỉnh; tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền kiên quyết không cấp phép đầu tư đối với các dự án, cơ sở không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn. Trước mắt, ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp rà soát các làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó rà soát công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về bảo vệ môi trường; đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Đối với 7 huyện, thành phố có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân thì các cơ quan, đơn vị cần xác định các nguồn xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; rà soát hệ thống thoát nước thải của khu dân cư cũ, làng nghề, cơ sở chăn nuôi dọc hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải và đề xuất mô hình trạm xử lý nước thải tập trung phù hợp với thực trạng thoát nước thải, điều kiện kinh tế, điều kiện quản lý vận hành, tập quán sinh hoạt của khu vực nông thôn để triển khai xây dựng đảm bảo về môi trường, hiệu quả kinh tế, thuận lợi cho công tác quản lý vận hành.

Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải - Ảnh 2
Bến bãi tâp kết VLXD vi phạm trên tuyến sông Cửu An chảy qua địa bàn huyện Ninh Giang

Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ yếu do xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào hệ thống.

Trong đó có nước thải từ các khu vực thượng nguồn thuộc TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là nguồn ô nhiễm kênh tiêu Cầu Bây (đổ ra sông Kim Sơn) thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội). Nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, dân cư tập trung của các xã, phường, thị trấn trong lưu vực thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống. Cùng với đó là hiện tượng suy kiệt nguồn nước. Nguồn nước sông Hồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau thấp hơn so với thiết kế nên hầu hết thời gian này hệ thống phải giữ nước để phục vụ tưới, rất hiếm có điều kiện để thay nước cho hệ thống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Giải pháp trước mắt là sở tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các địa phương, đơn vị có liên quan trong hệ thống thống nhất vận hành điều tiết, thau rửa, thay nước cho hệ thống Bắc Hưng Hải khi điều kiện cho phép. Đôn đốc, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn trong việc tăng cường phát hiện sớm, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kiến nghị và phối hợp xử lý các vi phạm công trình thủy lợi, vi phạm xả nước thải vào hệ thống. Đôn đốc tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để vi phạm tồn đọng, tái vi phạm.

Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải - Ảnh 3
Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm và công trình lấn chiếm lòng sông Cửu An (thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải) của gia đình ông Đoàn Văn Bao ở xã Tân Phong, huyện Ninh Giang đã vi phạm nhiều năm nhưng chưa bị xử lý   

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bao gồm 232km kênh trục và gần 500km bờ kênh, đảm bảo tưới cho 110.000ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản 12.000ha; tiêu nước, chống ngập úng cho diện tích 192.045ha để bảo vệ dân sinh, sản xuất ở nhiều địa phương thuộc 4 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải Quan trọng là vậy, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 439.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm, hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155 m3/ngày đêm đều được thu gom, xử lý tập trung. Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi, hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra 835 cơ sở xả nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền khoảng 25,7 tỷ đồng.

Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng; lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5 m3/ngày đêm trở lên; lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Việt Phương

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới