Thứ ba, 10/09/2024 10:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 18/09/2022 08:05 (GMT+7)

Đề nghị xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải

Theo dõi KTMT trên

Doanh nghiệp có thể bị xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đóng cửa, thậm chí, xem xét biện pháp hình sự nếu cố tình xả thải ra môi trường.

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong rất nhiều năm gần đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bức xúc trong dư luận. Do đó, tại cuộc họp lần này, Bộ trưởng đề nghị, các Bộ, ngành và địa phương chịu sự ảnh hưởng của hệ thống Bắc Hưng Hải cùng xem xét trách nhiệm và đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết các tồn tại hiện nay.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất các giải pháp để các cơ quan liên quan dự họp cho ý kiến để cùng nhau thống nhất. Liên quan đến các nguồn thải từ các doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục Môi trường phối hợp với Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương lên danh sách kiểm tra, đánh giá toàn bộ, từ đó, đưa ra lộ trình quản lý để nguồn nước khi xả thải vào hệ thống không còn ô nhiễm. Nếu theo thời gian quy định đưa ra mà doanh nghiệp không chấp hành có thể xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đóng cửa, thậm chí, xem xét biện pháp hình sự nếu cố tình xả thải ra môi trường.

"Tôi đề nghị Bộ Công an có thể tham mưu thêm các biện pháp nghiêm khắc hơn nữa để bảo vệ môi trường và từ đó, áp dụng mô hình, quy trình tiến hành kiểm soát các lưu vực sông trên đất nước", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đề nghị xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Đối với trách nhiệm từ các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại xem hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nếu vẫn duy trì thì phải xây dựng các phương án đa mục tiêu, bên cạnh phục vụ nông nghiệp còn phục vụ dân sinh…

Theo báo cáo, hiện nay, 60% nguồn ô nhiễm là từ nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó, chỉ có 13.300 m3/ngày đêm được xử lý (chiếm 7%), còn lại 93% chưa được xử lý. Đối với nước thải phát sinh từ cụm công nghiệp (CCN) chỉ tính riêng hai địa bàn tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đã có 400 CCN xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và chỉ 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với nước thải phát sinh từ làng nghề, 91% làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn nước thải từ trang trại chăn nuôi, hầu hết chưa được đầu tư xây lắp, vận hành hệ thống nước thải. Chỉ có nước thải phát sinh từ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Trước hiện trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương điều tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt đề xuất dự án thu gom, xử lý tập trung. Những việc này đã có đủ tính pháp lý được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan tham dự cuộc họp tham mưu thêm các giải pháp về tăng cường về quản lý, trách nhiệm về hành chính, hình sự, xử lý môi trường, áp dụng khoa học, công nghệ vào để bảo vệ môi trường.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu các địa phương liên quan nghiên cứu Báo cáo của Bộ Công an, trong đó tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Cụ thể, tại Công văn số 3372/VPCP-NN ngày 31/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn, phòng, chống và ngăn chặn được các đối tượng, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nước trái phép.

Bộ Công an nghiên cứu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành địa phương trong quá trình theo dõi, nắm tình hình trong thời gian tới để có đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp, khả thi.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan nghiên cứu Báo cáo của Bộ Công an, trong đó tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường trên địa bàn, đẩy nhanh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngọc Khánh

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

ITE HCM 2024 chào đón nhiều thị trường mới
Bên cạnh các thị trường du lịch trọng điểm như Úc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, khu vực Trung Đông…, lần đầu tiên ITE HCMC 2024 chào đón người mua quốc tế đến từ Brazil, Cộng hòa Czech, Bangladesh, Pakistan.