Chủ nhật, 28/04/2024 20:39 (GMT+7)
Thứ năm, 13/10/2022 06:55 (GMT+7)

Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Theo dõi KTMT trên

Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải góp phần từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, hướng tới mục tiêu đạt yêu cầu sử dụng về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước.

Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải kèm theo Quyết định số 2625/QĐ-BTNMT.

Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có mục tiêu kiểm soát có hiệu quả ngay tại nguồn các đối tượng có hoạt động xả nước thải, góp phần từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, hướng tới mục tiêu đạt yêu cầu sử dụng về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước, phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - Ảnh 1
Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. (Ảnh internet)

Kế hoạch đã xác định 6 nhiệm vụ với thời gian, địa điểm, đơn vị thực hiện, nội dung cụ thể để triển khai cho giai đoạn từ quý IV/2022 đến năm 2025, bao gồm: Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn thải nước thải và hiện trạng môi trường nước mặt; tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải; quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bên cạnh đó, xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải và cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như công trình thu gom, xử lý nước thải, trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy; tổ chức cuộc họp về tổ chức thực hiện, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Tại Kế hoạch này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường là đầu mối tổng hợp chung, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ 1, 2, 3 và 6 của Kế hoạch.

Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng thuyết minh đề cương, dự toán kinh phí phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Bộ phê duyệt. Tổ chức thực hiện Nhiệm vụ 4 của Kế hoạch. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất gửi báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ về Tổng cục Môi trường để tổng hợp chung.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phân công, giao các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung tại các nhiệm vụ của Kế hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường tính tự giác, chủ động thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

Từ nhiều năm nay, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang ở mức báo động “đỏ” ô nhiễm trên toàn tuyến, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bức xúc trong dư luận. 

Được biết, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ đảm bảo tưới cho 110.000 ha canh tác, tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2.000 ha và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người. Đặc biệt là tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 địa phương, TP.Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Ngoài nguyên nhân xả nước thải vượt quy chuẩn của các doanh nghiệp, thì nguyên nhân chính là các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện nay, 60% nguồn ô nhiễm là từ nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó, chỉ có 13.300 m3/ngày đêm được xử lý (chiếm 7%), còn lại 93% chưa được xử lý. Đối với nước thải phát sinh từ cụm công nghiệp chỉ tính riêng hai địa bàn tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đã có 400 CCN xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và chỉ 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Từng trao đổi về vấn đề này, theo ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), để hồi sinh" kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, cần tiến hành 4 giải pháp trước mắt và lâu dài: Đầu tiên phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó chúng ta sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Lâu nay, số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Muốn quản lý thì phải có thông tin làm cơ sở.

Khi có thông tin, Bộ TN&MT có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, như ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm… từ đó chúng ta sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính.

Tiếp đến là chúng ta phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi vì, nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Sau cùng là trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới