Thứ sáu, 22/11/2024 07:54 (GMT+7)
Thứ năm, 17/12/2020 14:18 (GMT+7)

Đại thủy nông Bắc Hưng Hải ‘oằn mình’ gánh ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Cùng với thời gian và các tác động của biến đổi khí hậu, hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang chịu tác động nặng nề vì ô nhiễm môi trường, với hàng trăm cống xả thải của các doanh nghiệp đổ ra sông.

Ðược mệnh danh là công trình đại thủy nông những năm 60 của thế kỷ trước, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (hay còn gọi là sông Bắc Hưng Hải) nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, được giới hạn bởi bốn con sông. Diện tích tự nhiên của hệ thống là 214.932 ha, bao gồm toàn bộ 10 huyện, thị xã của tỉnh Hưng Yên, 7 huyện và thành phố của tỉnh Hải Dương, ba huyện của tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Lâm và quận Long Biên của TP.Hà Nội.

Nhiệm vụ trọng tâm của sông là bảo đảm tưới cho 110.000 ha đất canh tác lúa màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, diện tích 12.000 ha; cấp nước sinh hoạt cho hơn ba triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung cùng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng, diện tích khoảng 4.300 ha. Hệ thống còn góp phần tiêu úng cho 192.045 ha diện tích phía trong đê, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở kinh tế khác.

Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng ô nhiễm trên toàn hệ thống sông đang lên mức báo động. Việc duy trì dòng chảy trên các trục sông, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái đang là bài toán khó.

Đại thủy nông Bắc Hưng Hải ‘oằn mình’ gánh ô nhiễm - Ảnh 1
Báo động tình trạng ô nhiễm trên sông Bắc Hưng Hải. (Ảnh: Internet)

Theo kết quả điều tra mới đây cho thấy, có 1.823 điểm xả thải có lưu lượng ≥ 5m3/ngày đêm (nước thải thuộc diện cấp phép xả thải) với tổng lưu lượng nước thải ước tính 148.098,44 m3/ngày đêm vào sông Bắc Hưng Hải.

Trong đó, nước thải công nghiệp chiếm tới 83,28% tổng lượng nước thải thuộc diện phải cấp phép, với 932 điểm xả thải.

Tính đến 31/9/2020, có 293 cơ sở đã được cấp phép xả thải nhưng chỉ có 139 giấy phép còn thời hạn sử dụng, chiếm 7,62% số cơ sở thuộc diện phải cấp phép. Khối lượng nước thải được cấp phép theo giấy phép còn thời hạn sử dụng là 74.412,60 m3/ngày đêm, chiếm 50,25% khối lượng nước thải thuộc điện phải cấp phép.

Trong đó, UBND tỉnh đã cấp 99 giấy phép (70 giấy phép còn thời hạn sử dụng và 29 giấy phép đã hết hạn sử dụng), khối lượng nước thải được cấp phép theo giấy phép còn thời hạn sử dụng là 10.378,10 m3/ngày đêm (82 giấy phép do Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hải Dương thẩm định và 17 giấy phép do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương thẩm định) chiếm 13,95% khối lượng nước thải đã được cấp phép còn hạn sử dụng.

Những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm đến tình hình diễn biến nguồn nước, với mục tiêu bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt. Ô nhiễm nước nhận biết được bằng cảm quan, trực quan như nước có mầu đen, nước đen kịt như dầu luyn, bốc mùi hôi thối.

Thực tế tại nguồn kênh Kim Sơn (Hà Nội) phải tiếp nhận lượng nước thải bị ô nhiễm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm qua cống Xuân Thụy.

Tại tỉnh Hưng Yên, trên sông Ðiện Biên từ vị trí tiếp nhận nước thải TP.Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng trước khi đổ ra sông Cửu An, nước chuyển mầu xanh lục, bốc mùi hôi. Cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn.

Các kênh trục của hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn hai tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh cũng chung số phận. Nguồn nước nơi đây chuyển mầu xanh đen, bốc mùi hôi.

Nói về nguyên nhân gây ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, các kênh cấp 2 chằng chịt đổ vào hệ thống kênh trục chính, các khu, cụm công nghiệp và cơ sở chăn nuôi, sản xuất; làng nghề không được kiểm soát chặt chẽ nên tất cả nước thải ô nhiễm đang khiến hệ thống sông phải “hứng” chịu.

Đặc biệt, việc phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, ban, ngành… vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều các cơ sở sản xuất, Cụm công nghiệp xả thải ô nhiễm môi trường đổ ra kênh cấp 2, khi Công ty phát hiện gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, ngành quản lý tài nguyên & môi trường, nhưng không được hợp tác phối hợp. Thậm chí chỉ với một cơ sở sản xuất tư nhân, khi phát hiện xả nước thải gây ô nhiễm, Công ty lập biên bản, gửi Công văn đến chính quyền địa phương, nhưng hàng năm trời vẫn không được phúc đáp và xử lý triệt để.

Ngoài ra, các nguồn xả thải từ các nhà máy xuống kênh cấp 2 do các Công ty khai thác Công trình thủy lợi tỉnh quản lý, chảy vào hệ thống kênh trục vẫn chưa quản lý được (do nằm ngoài phạm vi quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải).

Đây chính là những điểm ô nhiễm đáng báo động, như: Kênh Cầu Bây, kênh Trấn Thành Ngọ, kênh T2 TP.Hải Dương chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải. Nhiều Công ty, cơ sở sản xuất xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, nhưng không gửi Giấy phép xả thải, nên việc theo dõi khó khăn, không có chế tài cho phép Công ty được xử phạt. Nhiều đơn vị Giấy phép xả thải hết hạn, Công ty yêu cầu nhiều lần vẫn chưa được cung cấp, cụ thể: Điểm xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải chưa xác định được lưu lượng là 1.305 điểm; Giấy phép xả thải cột B là 27 điểm, cấp không đúng thẩm quyền là 56 điểm, Giấy phép đã hết hạn 73 điểm”.

Năm 2019, Bộ TN&MT đã bàn đến các giải pháp để cứu nguy cho sông Bắc Hưng Hải. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan liên quan cần phải đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải; có quy hoạch tổng thể cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước...

Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn gần hệ thống sông Bắc Hưng Hải; tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Đại thủy nông Bắc Hưng Hải ‘oằn mình’ gánh ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.