Thứ bảy, 23/11/2024 22:15 (GMT+7)
    Thứ bảy, 19/03/2022 08:00 (GMT+7)

    Hà Nội: Mở rộng 20 cụm công nghiệp mới trong 2022, bất động sản ven đô “nóng” lên nhờ hạ tầng

    Theo dõi KTMT trên

    Mở rộng thêm 15-20 cụm công nghiệp mới là một trong các mục tiêu về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp của Hà Nội năm 2022 là thành lập. Ở góc khác, người mua nhà chuyển hướng chọn căn hộ ven đô Hà Nội, kéo theo tính thanh khoản cũng “hâm nóng.

    Mục tiêu quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp

    Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mới đây đã ký ban hành Kế hoạch về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2022.

    TP.Hà Nội đặt 7 mục tiêu cụ thể trong công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết nối hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. Thứ hai là tiếp tục tổ chức khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020. Thứ ba, trong năm nay quyết định thành lập, mở rộng thêm 15-20 cụm công nghiệp mới. Thứ tư là bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

    Hà Nội: Mở rộng 20 cụm công nghiệp mới trong 2022, bất động sản ven đô “nóng” lên nhờ hạ tầng - Ảnh 1
    Mở rộng thêm 15-20 cụm công nghiệp mới là một trong các mục tiêu về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp của TP.Hà Nội năm 2022. (Ảnh minh họa)

    Còn lại là các mục tiêu: 100% cụm công nghiệp đang hoạt động được quản lý theo đúng quy định của pháp luật, 100% cụm công nghiệp xây mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

    Theo kế hoạch, về nội dung thực hiện, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp; tổ chức quản lý, phát triển các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.

    Hà Nội sẽ triển khai thực hiện các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; trong đó, khởi công và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại 45 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập gồm: Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai), cụm công nghiệp CN3 (huyện Sóc Sơn) và 43 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020.

    Thành phố mặt khác cũng tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ khởi công, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp.

    Song song đó là các hoạt động đẩy mạnh quảng bá, tiếp xúc đầu tư, hoàn thành công tác thẩm định, quyết định thành lập, mở rộng 15-20 cụm công nghiệp mới.

    Đồng thời Hà Nội cũng có kế hoạch tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố về đất đai và môi trường.

    Nhằm hoàn thành các mục tiêu, thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp và các chủ đầu tư. Thành phố cũng ban hành kèm theo bảng phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng đơn vị trong công tác quản lý 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội.

    Bất động sản ven đô “nóng” lên nhờ hạ tầng

    Thị trường căn hộ khu vực nội đô Hà Nội thời điểm này gần như không có dự án nào ra hàng. Theo đó, nguồn cung căn hộ sẽ đến từ các quận/huyện vùng ven như: Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì.

    Mặt khác những căn hộ mới tại khu vực này cũng có mức giá khá cao. Theo các chuyên gia bất động sản, một số dự án không thuộc vùng trung tâm hiện nay cũng có mức giá dao động từ 36-40 triệu đồng/m2, bởi tại những nơi này giao thông kết nối thuận tiện, gần trung tâm. Tuy vậy, mức giá này khó phù hợp túi tiền của đa số người có nhu cầu thực sự về nhà ở và có mức thu nhập không cao.

    Tuy nhiên, dự án vùng ven như cuối Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, hạ tầng xã hội kém đồng bộ, xa trung tâm, nhưng giao thông di chuyển thuận lợi vẫn thu hút được người mua nhà.

    Ví dụ như dự án nhà ở Phương Canh, Nam Từ Liêm, nằm cách trung tâm TP.Hà Nội trên 10km, tiếp giáp cổng chào Hoài Đức. Khá xa bệnh viện, trường học nhưng với giao thông thuận lợi, ven QL32 và mức giá phù hợp từ 16-22 triệu đồng. Sau chưa đầy 2 năm kể từ khi triển khai xây dựng, dự án đã bán hết 100% quỹ căn.

    Hay một dự án tại Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km (nằm góc ngã tư giao Láng Hoà Lạc với QL21) hay một dự án khác tại Quốc Oai, giá chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/m2 cũng cơ bản lấp đầy.

    Theo tìm hiều, những dự án ven đường vành đai 3.5 cũng khá khan hàng. Phần lớn các quỹ căn của dự án như Vườn Cam, Hino Park, Splendora thuộc huyện Hoài Đức có giá xấp xỉ 100 triệu đồng/m2, tuy nhiên đều là hàng chuyển nhượng thứ cấp.

    Thông tin từ Savill Việt Nam cho biết, tại thị trường Hà Nội, đầu năm nay, thị trường này đón nhận khoảng 7.900 căn hộ đến từ 11 dự án mới và 2 dự án chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

    Nguồn hàng đến từ các quận, huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Hoàng Mai, chiếm khoảng 81% thị phần, trong khi quỹ đất nội đô đang trở nên hạn chế. Savill nhận định, khu vực phía Tây Hà Nội tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung sơ cấp với 26.300 căn, đến từ 29 dự án.

    Đáng chú ý, 5 huyện ngoại thành sẽ tăng nguồn cung và tỷ trọng, lên 36% từ năm 2023 thay vì 30% như năm 2021.

    Trưởng Bộ phận tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội bà Lê Thị Phương Lan cho biết, xu hướng chuyển dịch thị trường vùng ven được thúc đẩy bởi sự phát triển về cơ sở hạ tầng.

    Bà Lan phân tích: “Tuyến đường vành đai 3, 3,5 và đường sắt đô thị số 3 là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía Tây. Kế hoạch vận hành các tuyến metro và xây dựng đường vành đai 2,5 ở phía Nam và số 4 ở phía Đông Bắc Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông.

    Thuận tiện trong việc di chuyển giữa khu vực vùng ven và nội đô thành phố sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư và người mua để ở vào những dự án ở xa trung tâm”.

    Hà Nội: Mở rộng 20 cụm công nghiệp mới trong 2022, bất động sản ven đô “nóng” lên nhờ hạ tầng - Ảnh 2
    Ảnh minh họa.

    Mỗi dự án sẽ có một đặc điểm khác nhau. Do đó, người mua nhà để ở hay đầu tư, ngoài quan tâm đến giá cả thì cần xem xét đến cả chất lượng của dự án, bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng, các chứng nhận và tiêu chuẩn xây dựng, bà Lan khuyến cáo.

    Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó chủ tịch Batdongsan.com cho biết, kết quả nghiên cứu mới đây của đơn vị này cho thấy, gần 50% người mua nhà có xu hướng dịch chuyển nhu cầu sang nhà có diện tích lớn hơn; 40% trong số đó gia tăng nhu cầu đối với khu vực ít đông đúc hoặc ngoại thành; gần 60% lựa chọn ưu tiên môi trường sống xanh, thoáng và gần các tiện ích giao thông công cộng.

    Năm 2022, mức độ quan tâm đến thị trường căn hộ vùng ven sẽ lớn hơn trước, ông Quốc Anh nhận định.

    Mặt khác, theo ông Quốc Anh, việc mở rộng địa giới, dự án, tăng nguồn cung nhưng cũng phải gắn liền với cơ hội việc làm. Hạ tầng giao thông phát triển phải đồng bộ với hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm... như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu an cư của người dân.

    Trong khi các dự án bất động sản nội đô hoặc những điểm tiếp giáp các quận có giá bán đắt đỏ, không còn phù hợp với túi tiền đại đa số người dân. Theo đó, người mua chuyển hướng lựa chọn căn hộ ven đô Hà Nội, kéo theo tính thanh khoản cũng được “hâm nóng”.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Mở rộng 20 cụm công nghiệp mới trong 2022, bất động sản ven đô “nóng” lên nhờ hạ tầng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới