Thứ bảy, 23/11/2024 02:42 (GMT+7)
Thứ hai, 10/01/2022 19:00 (GMT+7)

Hà Nội: Hỗ trợ 200 tỷ đồng cho người lao động ở lại Thủ đô ăn Tết

Theo dõi KTMT trên

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn của Thủ đô sẽ chi khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Từ nguồn hỗ trợ của UBND TP.Hà Nội, các cấp công đoàn sẽ tổ chức thăm hỏi, trao 10.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, công đoàn Hà Nội sẽ hỗ trợ với mức 300.000 đồng/người cho người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, bên cạnh nguồn lực xã hội hóa, tổ chức công đoàn Việt Nam cũng dự kiến chi khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động.

Hà Nội: Hỗ trợ 200 tỷ đồng cho người lao động ở lại Thủ đô ăn Tết - Ảnh 1
Công đoàn Hà Nội sẽ hỗ trợ với mức 300.000 đồng/người. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện hành động này, Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội vừa có công văn gửi Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Các công đoàn cơ sở trực thuộc yêu cầu thống kê số công nhân lao động thuê trọ ở lại Hà Nội, không về quê ăn Tết.

Số liệu thống kê gồm: Tình hình lao động tại doanh nghiệp, trong đó có tổng số lao động, số lao động ngoại tỉnh, số lao động ngoại tỉnh ở lại Tết, chiếm tỷ lệ bao nhiêu; Dự kiến hỗ trợ, chăm lo cho người lao động ở lại, gồm chăm lo từ doanh nghiệp, công đoàn, địa phương.

Việc thống kê thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thống kê số số công nhân lao động ở lại địa phương không về quê đón Tết để làm căn cứ phục vụ công tác chăm lo, hỗ trợ.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội, từ 27/4 đến cuối tháng 12/2021, trên địa bàn thành phố có 235 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 1.800 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hàng chục nghìn lao động mất và thiếu việc làm khiến đời sống khó khăn.

Hai năm nay dịch bệnh bùng phát, vì thế số người về quê ăn Tết hay đi du lịch dịp Tết giảm hẳn. Tàu hỏa, hàng không, xe khách… chỉ đợi dịp Tết mới có thời cơ tăng doanh thu nhưng hai năm nay đều ế. Hiện tại, nhiều hãng hàng không đưa ra các mức giá khuyến mại rẻ chưa từng thấy. 

Qua 2 năm chống dịch, ý thức của người dân được nâng lên nhiều. Chắc rằng, nếu thấy không an toàn họ sẽ không đi đâu nếu không quá cấp bách.

Những ngày đầu năm 2022, cả nước số ca mắc vẫn xoanh quanh con số 1,5 vạn ca/ngày. Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập với tốc độ lây lan nhanh đang làm đau đầu cả người dân lẫn cơ quan chức năng. 

Hà Nội: Hỗ trợ 200 tỷ đồng cho người lao động ở lại Thủ đô ăn Tết - Ảnh 2
Số người lao động về quê dịp tết tại các bến tàu, bến xe vẫn còn thưa thớt. (Ảnh minh họa)

Gần đây, một số tỉnh thành khuyên người dân ở xa không nên về quê dịp Tết. Ngày 6/1, Thành ủy TP.Thanh Hóa ra khuyến cáo người dân xa quê tạm thời không về nếu không cần thiết. Quảng Nam không cấm nhưng vận động người dân không nên về. Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế đưa ra quy định người từ vùng đỏ về phải cách ly…

Và còn nhiều tỉnh thành khác cũng có những quy định, yêu cầu, khuyến cáo khác nhau về chuyện dân ở xa có nên về ăn Tết hay không.

An toàn cho người dân là trên hết. Và các cấp chính quyền lo cho dân là rất tốt nhưng thiết nghĩ, trên hết chính là ý thức của người dân và những cơ sở khoa học hiện tại.

Không ai đánh cược mạng sống của mình chỉ vì mấy ngày vui. Người dân chắc chắn sẽ suy nghĩ kỹ chuyện về quê ăn Tết hay ở lại nơi đang cư trú.

Một thành tựu và là một cơ sở rất đáng tự hào, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp Chính phủ với các địa phương gần đây, là chúng ta đã đi sau về trước trong việc tiêm vắc xin phòng dịch.

Đến nay, Việt Nam xếp đứng thứ 6 trong những nước có độ phủ cao nhất, đạt miễn dịch cộng đồng. Và cho đến nay, tuy dịch vẫn còn ở các địa phương nhưng như báo cáo của Chính phủ, chúng ta cơ bản đã quản lý được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái sống chung và thích ứng.

Rõ ràng thành tựu đó là đáng tự hào vì cho đến nay số ca nhiễm chuyển nặng giảm đáng kể, số ca tử vong giảm mạnh. Nhiều bệnh nhân được điều trị tại nhà và đã khỏi nhanh. Người dân, đại đa số có ý thức trong phòng chống dịch. Vậy có nên hạn chế người dân về quê đón Tết?

Có lẽ chúng ta nên tuyên truyền và công bố rõ ràng mức dịch của các nơi để người dân lựa chọn. Một số nơi có cách làm rất hợp lòng dân.

Nghệ An khuyến cáo “bà con không nên quá lo lắng đến mức không dám về quê ăn Tết, song cần thực hiện 5K”. Được biết địa phương này vẫn là địa bàn phức tạp.

Hay như Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Châu nói: “Quyền đi lại là của người dân, tỉnh mong mọi người nâng cao ý thức cộng đồng, cần khai báo y tế đầy đủ để giám sát”.

Đắk Lắk cũng không cấm công dân từ các địa phương khác trở về tỉnh ăn Tết và quy định rõ không cần giấy xét nghiệm, chỉ cần tuân thủ 5K và tiêm vắc xin đầy đủ.

Xét rộng ra, chúng ta đang mở cửa du lịch cho người nước ngoài được đến Việt Nam với điều kiện có hộ chiếu vắc xin và có  kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Đó là cách làm khoa học, phù hợp trong bối cảnh thích ứng an toàn. 

Tết là nét đẹp văn hóa, là dịp sum họp gia đình, người thân. Về quê ăn Tết là trở về nguồn cội để được hòa vào dòng chảy văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư trong Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua nhấn mạnh đến “nếp nhà”, đến truyền thống văn hóa, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Vấn đề là làm sao giải quyết hài hòa giữa phòng dịch và đón Tết. Điều người dân cần nhất ở các cấp chính quyền là dựa trên căn cứ khoa học để có những động thái ứng xử phù hợp trong những lúc thế này chứ không phải ra văn bản cấm đoán hay vận động không trở về.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Hỗ trợ 200 tỷ đồng cho người lao động ở lại Thủ đô ăn Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới