Thứ sáu, 19/04/2024 19:09 (GMT+7)
Thứ tư, 21/09/2022 13:50 (GMT+7)

Hà Nội: Dự án nhà máy xử lý rác Đông Anh 10 năm vẫn 'ngủ đông' (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh là Cty cổ phần đầu tư Thành Quang. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2011 với tổng mức đầu tư trên 768 tỉ đồng nhưng đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa thể hoạt động.

Bao giờ hoạt động?

Được UBND TP.Hà Nội phê duyệt chủ chương đầu tư, cấp đất để thực hiện dự án nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh dù đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc vẫn chưa thể hoạt động.

Hà Nội: Dự án nhà máy xử lý rác Đông Anh 10 năm vẫn 'ngủ đông' (Bài 4) - Ảnh 1
Dự án đã hơn 10 năm triển khai nhưng vẫn chưa hoạt động.

Theo QH609 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, Khu xử lý chất thải rắn Việt Hùng, diện tích hiện có 8,75 ha. Công suất đến năm 2020 khoảng 300 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 600 tấn/ngày; năm 2050 khoảng 600 tấn/ngày. Chức năng: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường. Công nghệ: Tái chế nhựa, giấy, sắt thép...; Công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh; Công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng. Phạm vi phục vụ khu vực huyện Đông Anh và hỗ trợ một phần xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường cho Khu xử lý Sóc Sơn.

Đến tháng 9/2016, UBND TP tiếp tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư nâng công suất 500 tấn/ngày đêm. Và cho đến tháng 5/2017, dự án mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM cho phép xừ lý chất thải nguy hại.

Mới đây, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có mặt tại khu vực Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh. Theo ghi nhận, khu vực xây dựng nhà máy cỏ mọc um tùm. Bên trong, nhiều dây chuyền máy móc phủ bụi, bỏ không, không có dấu hiệu hoạt động trở lại.

Trong bối cảnh 2 khu xử lý rác thải chính là Nam Sơn và Xuân Sơn từ lâu đã rơi vào tình trạng quá tải dẫn đến nhiều thời điểm rác thải bị ùn ứ trong nội đô, TP.Hà Nội đã chấp nhận chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án đốt rác công nghệ cao tầm cỡ trên địa bàn. Tuy nhiên, Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh đù đã hơn 10 năm, sau 3 lần điều chỉnh tiến độ vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động.

Lại chờ điều chỉnh QH609

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang thông tin với báo chí, nhà máy đã hoàn thiện 90%. Ngoài ra đơn vị đang trong thời gian xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại. Tuy nhiên, chức năng này chưa có trong QH 609.

Hà Nội: Dự án nhà máy xử lý rác Đông Anh 10 năm vẫn 'ngủ đông' (Bài 4) - Ảnh 2
Khu vực nhà máy hoang hóa, cỏ mọc.

Như vậy, dù triển khai xây dựng từ năm 2011 nhưng đã qua 3 lần điều chỉnh tiến độ, 1 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư và đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư lại xin điều chỉnh QH609, nên số phận Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh chưa biết đến khi nào có thể hoạt động.

Cũng có thông tin cho rằng dù dự án được phê duyệt với chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường nhưng chủ đầu tư muốn bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại sẽ thu lãi nhanh hơn so với xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp thông thường.

Còn theo chuyên gia môi trường công nghệ plasma trong xử lý rác thải cho rằng sẽ phải mất nhiều thời gian nữa nhà máy đốt rác tại huyện Đông Anh mới có thể đi vào hoạt động. Vì ở nước ta không phân loại rác ngay từ đầu, do đó rất khó để đốt rác theo công nghệ plasma, bởi nhiều người nghĩ công nghệ này sẽ đốt được cùng lúc mọi loại rác nhưng không dễ dàng như vậy.

Hà Nội: Dự án nhà máy xử lý rác Đông Anh 10 năm vẫn 'ngủ đông' (Bài 4) - Ảnh 3
Một số hạng mục công trình xuống cấp.

Ngày 21/1/2020, trong nội dung báo cáo số 18/BC-UBND, UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng về việc ra soát quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo QH 609 đã có đề xuất điều chỉnh quy hoạch đối với dự án này cụ thể: Để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải địa bàn và khu vực, đề xuất khu XLCT Việt Hùng sẽ ưu tiên xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh và bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại liên vùng.

Tuy nhiên, mới đây ngày 25/4/2022, trong báo cáo số 2025/STNMT-CCBVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP về việc báo cáo thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô lại không đưa dự án này vào việc điều chỉnh cục bộ QH609.

Ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết: Để nhà máy sớm đi vào hoạt động, xã đã tích cực thực hiện các thủ tục liên quan và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tuy nhiên tới lúc bàn giao mặt bằng xong dự án lại không thực hiện, bỏ hoang hóa một diện tích đất lớn trong khi đó rác vẫn ùn ứ, ô nhiễm môi trường, gây dư luận không tốt. Đến thời điểm hiện tại xã cũng không nắm được thời điểm nhà máy sẽ đi vào vận hành và cũng chưa thấy "dấu hiệu sẽ hoạt động" trong thời gian ngắn tới đây.

PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng, việc dự án chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cũng như tốn kém về mặt kinh tế. Tồn đọng rác với khối lượng lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, cả đất, cả nước và không khí. Cũng vì ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân bức xúc dẫn đến tác động làm lộn xộn trong xã hội. Nếu để ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Còn nữa...

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Dự án nhà máy xử lý rác Đông Anh 10 năm vẫn 'ngủ đông' (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .