Thứ bảy, 20/04/2024 19:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/01/2021 11:11 (GMT+7)

Hà Nội 'đội sổ' chất lượng không khí

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Môi trường cho biết, trong tháng 12/2020 chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều ngày ở mức "kém", đặc biệt, những ngày cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2021, chỉ số AQI đã chạm mức "xấu".

Thông tin này vừa được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố trong báo cáo về chất lượng môi trường không khí tại một số đô thị trong tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021.

Theo đó, kết quả quan trắc chất lượng không khí tại các trạm quan trắc không khí tự động trong tháng 12/2020 cho thấy, trong tháng 12 tiếp tục ghi nhận tình trạng chất lượng môi trường không khí theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày ở mức "kém" tại TP.Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Cụ thể, kết quả quan trắc chất lượng không khí trong tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 tại TP.Hà Nội cao hơn so với các đô thị khác.

Riêng, Thủ đô Hà Nội đã có 22/34 ngày giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 (tính trung bình các trạm) vượt giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 - 2 lần.

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cho thấy, tại TP.Hà Nội, khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức "kém". Đặc biệt, những ngày cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, chỉ số AQI đã chạm mức "xấu".

Hà Nội 'đội sổ' chất lượng không khí - Ảnh 1
Diễn biến chỉ số AQI ngày tại một số đô thị từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021. (Ảnh: Tổng cục Môi trường)

Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại các trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn TP.Hà Nội đã ghi nhận 3 đợt giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi PM2.5 tại nội thành TP.Hà Nội vượt nhiều lần giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT vào các khoảng thời gian như sau: Từ ngày 7/12 - 13/12/2020, từ ngày 21/12 - 29/12/2020 và từ ngày 1/1 - 4/1/2021.

Riêng trong 5/1/2021, thông số PM2.5 trung bình 24 giờ đã vượt quá giới hạn so với QCVN trên 3 lần. Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm quan trắc không khí tự động tại TP.Hà Nội cũng cho thấy, trong một số ngày, chỉ số AQI đã ở mức "xấu" - mức có ảnh hướng tới sức khỏe.

Hà Nội 'đội sổ' chất lượng không khí - Ảnh 2
Diễn biến chỉ số AQI ngày tại các trạm tại TP.Hà Nội tháng 12/2020 đến 01/2021. (Ảnh: Tổng cục Môi trường)

Tuy vậy, tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí cũng có sự khác biệt đáng kể. Các trạm đặt tại Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm thường có kết quả quan trắc thông số bụi PM2.5 cao hơn các khu vực khác. Tại trạm Thành Công, Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng không có ngày nào chất lượng không khí ở mức tốt. Thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí với chỉ số AQI giờ ở mức cao tiếp tục diễn ra chủ yếu vào ban đêm vào sáng sớm.

Các nghiên cứu khoa học đã giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, nhìn chung, trong tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, chất lượng môi trường không khí khu vực phía Bắc, đặc biệt là tại TP.Hà Nội đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm không khí với chỉ số AQI ở mức cao.

Tổng cục Môi trường cho biết, dự kiến, thời gian tới, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức "xấu". Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Trước đó, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai khẩn một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.

Bộ TN&MT cũng đề nghị hai thành phố lớn điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.

Để cải thiện chất lượng không khí AQI, UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong. Đồng thời phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí…

Theo các chuyên y tế, để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí. Sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.

Trong những ngày thời tiết xấu, người dân không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối - thời gian ô nhiễm nhất trong ngày, đặc biệt người già và trẻ em, các trường học không tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội 'đội sổ' chất lượng không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới