Thứ năm, 03/04/2025 11:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/01/2021 06:35 (GMT+7)

Hà Nội ra công văn 'hỏa tốc' yêu cầu ứng phó với ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, không khí, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức rất xấu, nguy hại.

Ngày 7/1, UBND TP.Hà Nội có công văn hỏa tốc gửi các sở, ban ngành và các quận, huyện, thị xã về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn TP.

Theo Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội, từ ngày 1-5/1, không khí lạnh suy giảm, tốc độ gió thấp, nhiệt độ đêm và ngày chênh lệch nên sáng sớm và chiều tối hình thành sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ kéo dài.

Hà Nội ra công văn 'hỏa tốc' yêu cầu ứng phó với ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Những ngày qua Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, yếu tố về địa hình khu vực vùng Thủ đô chủ yếu là đồng bằng, thấp từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng; bao bọc Hà Nội tại các khu vực giáp ranh là các khu vực đồi núi và các khu, cụm công nghiệp các tỉnh đang phát triển mạnh; do đó, với điều kiện sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quẩn gió, các chất ô nhiễm không phát tán được khiến tích tụ ô nhiễm trong những ngày qua.

Đáng chú ý, một số tác động cục bộ do hoạt động giao thông tăng cao sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, tình trạng rác thải ùn ứ, không được vận chuyển đến bãi xử lý do thay đổi đơn vị thu gom vệ sinh môi trường tại một số quận huyện vào cuối năm 2020 làm gia tăng tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè và các hoạt động sản xuất cuối năm tăng cường để cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán... là những nguyên nhân phát thải ô nhiễm nội tại trên địa bàn.

Dự báo từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí.

Để cải thiện chất lượng không khí AQI, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn TP.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí ở TP.

Đồng thời phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá tính hiệu quả các mô hình hạn chế đốt rơm rạ đã thực hiện, nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng tái sử dụng rơm rạ sau vụ mùa; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Công an TP có nhiệm vụ tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen, phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng. Trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel, không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.

TP giao Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, công trình cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè.

Sở Y tế phối hợp Sở TN&MT xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức “rất xấu”, “nguy hại” để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.

TP.Hà Nội cũng giao các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng.

Chủ động xây dựng các vị trí lưu giữ, trạm trung chuyển để có thể chủ động lưu giữ rác thải trong khoảng thời gian từ 5-7 ngày đảm bảo an ninh rác, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trong trường hợp các khu xử lý chất thải tập trung của TP không thể tiếp nhận rác thải.

Ngoài ra, các quận huyện, thị, xã phát động phong trào tới từng phường xã, tổ dân phố, các hội phụ nữ, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên tổ chức các chương trình ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn vào các ngày thứ bẩy, chủ nhật. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…

Chủ động bảo vệ sức khỏe trong những ngày không khí ô nhiễm nặng

Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí. Sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.

Những ngày thời tiết rất xấu, người dân không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối - thời gian ô nhiễm nhất trong ngày, đặc biệt người già và trẻ em, các trường học không tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời.

Chuyên gia y tế khuyên người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, nhất là khi ra đường; tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Đối với những người có bệnh về hô hấp cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc lá.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội ra công văn 'hỏa tốc' yêu cầu ứng phó với ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.
Sắp áp hạn ngạch phát thải cho 150 doanh nghiệp lớn nhất
Chính phủ dự kiến phân bổ hạn ngạch khí nhà kính cho các cơ sở thuộc ba ngành: nhiệt điện, thép và xi măng, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn quốc. Cơ chế này nhằm thúc đẩy giảm phát thải và phát triển thị trường carbon trong nước.

Tin mới

Lợi nhuận của FE CREDIT trở lại đường đua tăng trưởng
Năm 2024 đã kiểm toán, FE CREDIT đạt lợi nhuận trước thuế gần 515 tỷ đồng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu. Năm 2025, công ty tài chính tiêu dùng với thị phần lớn nhất Việt Nam xác định mục tiêu duy trì đà tăng trưởng và phát triển..
Vì sao vé xem DIFF luôn “hot” qua nhiều mùa?
Chỉ còn hai tháng nữa là Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 sẽ chính thức khai mạc. Rất nhiều du khách đã háo hức săn vé DIFF ngay từ lúc này để thưởng thức “đại tiệc ánh sáng” của thành phố bên sông Hàn.