Hà Nội: 2030 tất cả chất thải nguy hại được xử lý đạt chuẩn
Mục tiêu này được đưa ra tại Tờ trình số 6304/TTr-STNMT-CCBVMT về việc phê duyệt đề án “Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Sở TN&MT Hà Nội.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất, đến năm 2025, trên địa bàn thành phố: 100% chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường. 85% chất thải nguy hại điện, điện tử, ắc quy và pin thải các loại phát sinh từ hoạt động sinh hoạt tại các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt quy chuẩn môi trường...
Ảnh minh họa. |
Thành phố phấn đấu đến năm 2030, tất cả các loại chất thải nguy hại phát sinh đều được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải nguy hại nhằm triển khai các quy định của pháp luật về chất thải nguy hại tại tất cả các cấp trên địa bàn thành phố. Xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phù hợp với điều kiện thực tế tại thành phố theo từng loại nguồn thải, nhằm tăng tỉ lệ thu gom, xử lý.
Bên cạnh đó, đầu tư các cơ sở xử lý đạt quy chuẩn môi trường, phù hợp với quy hoạch được duyệt, nhằm chủ động xử lý chất thải nguy hại của Hà Nội ngay tại Hà Nội; hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tự xử lý tại nơi phát sinh có sử dụng công nghệ đốt hoặc chôn lấp; giảm dần về số lượng các cơ sở xử lý quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho hoạt động xử lý, trong đó, khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý chuyên sâu đối với một số loại chất thải nguy hại đặc thù, song song với việc phát triển các cơ sở xử lý theo hướng tái chế, xử lý đa dạng các loại chất thải nguy hại. Khuyến khích việc liên kết, chuyển giao giữa các cơ sở xử lý để phát huy thế mạnh về công nghệ xử lý của từng cơ sở trong quá trình xử lý. Ưu tiên hoạt động xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; cộng đồng dân cư về việc quản lý ngay từ nguồn thải; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, vận hành các khu, cụm công nghiệp trong việc tổ chức thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại của các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp…
Phạm Oanh