Góp ý xây dựng dự thảo Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các tỉnh đều cho rằng, về hình thức và phương thức đấu giá, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần xem xét, quy định theo hướng linh hoạt hơn, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế phù hợp.
Ngày 21/7, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc họp báo cáo về tình hình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản xem xét lại các nội dung về thời hạn nộp hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá; hình thức và phương pháp đấu giá; tài nguyên, trữ lượng của khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục hoàn thiện báo cáo và xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.
Các tỉnh đều cho rằng, về hình thức và phương thức đấu giá, Tổng cục cần xem xét, quy định theo hướng linh hoạt hơn; cần có thêm nhiều hình thức phương thức để có thể lựa chọn tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế phù hợp. |
Cục trưởng Cục kinh tế địa chất và khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đào Chí Biền cho biết, đến nay, Tổng cục đã nhận được ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…và của 49 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng Tổng cục cần tiếp thu và chỉnh sửa, trong đó có nguyên tắc, trình tư thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bước giá trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thời hạn nộp hồ sơ cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá; tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; hủy kết quả cuộc đấu giá…
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng Tổng cục có thể xem xét đưa ra các quy định theo hướng linh hoạt hơn; cần có thêm nhiều hình thức phương thức để có thể lựa chọn tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế phù hợp.
Đơn cử như việc đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên là phù hợp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan.
Về đầu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp thế chấp quyền khai thác khoáng sản, các tỉnh, thành phố đề nghị bổ sung nội quy quy định về quy trình, cách thức tổ hợp thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp được nêu trong Công văn 1498/BTNMT-DCKS về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Do đó, các địa phương đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể tại Nghị định nhằm thống nhất cách thức triển khai trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Tổng cục bảo lưu, giải trình một số nội dung về: Hình thức và phương pháp đấu giá; tài nguyên, trữ lượng của khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy định tiêu chí để lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ; giải phóng mặt bằng; đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong trường hợp thế chấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo ông Đào Chí Biền: “Hiện nay, Luật khoáng sản không quy định việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản. Mặt khác, trường hợp thế chấp quyền khai thác khoáng sản có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quyền khai thác khoáng sản: giá trị quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất; các nghĩa vụ tài chính; tài sản thế chấp… Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung vào Luật khoáng sản”.
Ngoài ra, còn một số ý kiến khác liên quan đến: giải thích từ ngữ; xử lý tiền đặt cọc đối tượng không được tham gia đấu giá; quy chế cuộc đấu giá; thông báo, niêm yết cuộc đấu giá; phê duyệt kết quả trúng đấu giá; phương thức thu nộp tiền trúng đấu giá; bố cục của văn bản, lỗi chính tả… đã được Tổng cục tiếp thu và giải trình.
Sau khi Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực ngày 15/5/2012 (Nghị định số 22/2012/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai ngay công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau 7 năm triển khai thực hiện, từ năm 2014 đến 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực đạt 52,23% kế hoạch. Trong đó: Đấu giá tại các khu vực đã có kết quả thăm dò 56 khu vực (chiếm 18,4%), số tiền đạt được là 272,516 tỉ đồng; đấu giá tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò 248 khu vực (chiếm 81,6%), số tiền dự tính đạt được là 768,306 tỉ đồng. Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt 1.040,823 tỉ đồng; so với tổng giá trị khởi điểm dự tính là 576,504 tỉ đồng tăng 466,210 tỉ đồng (tăng 80,86 % so với giá khởi điểm), tăng thu cho ngân sách nhà nước 466,210 tỉ đồng. Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ (đạt 50%) và thu về ngân sách nhà nước 354,358 tỉ đồng. Tuy nhiên, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản nhưng đến nay Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Do đó, cần thiết phải xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phù hợp với Luật đấu giá tài sản. |
Nhật My