Khai thác khoáng sản biển sâu có thể tiêu diệt các loài chưa được khám phá
Báo cáo của Hội đồng Đại dương ngày 24/6 cho biết khai thác khoáng sản dưới đáy biển không nên bắt đầu trước khi đánh giá đầy đủ các tác động môi trường có thể xảy ra.
Nhà môi trường David Attenborough phát biểu trong một cuộc họp về Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) của Liên hợp quốc do Vương quốc Anh tổ chức, tại Bảo tàng Khoa học ở London, Anh vào ngày 4/2/2020. |
Các nhà môi trường trong đó có David Attenborough của Anh đã kêu gọi lệnh cấm khai thác tài nguyên dưới đáy biển sâu bao gồm đồng, coban, niken, kẽm, lithium và các nguyên tố đất hiếm từ các “nốt sần” dưới đáy đại dương.
Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA), một cơ quan của Liên hợp quốc có trụ sở tại Jamaica, đã đưa ra các quy định về thăm dò, nhưng vẫn chưa thiết lập các quy tắc khai thác cần thiết.
Báo cáo được viết bởi 6 học giả cho biết khai thác dưới đáy biển sâu là một “câu hỏi hóc búa lâu dài”.
ISA được thiết lập để thảo luận về quy định có thể cho phép khai thác dưới đáy biển sâu trong hội nghị hàng năm, bị trì hoãn từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay vì đại dịch Covid-19.
Báo cáo cho biết nghiên cứu quốc tế nên được tiến hành để lấp đầy lỗ hổng kiến thức trước khi cho phép bất kỳ hoạt động khai thác nào dưới đáy biển và phải thiết lập các khu vực được bảo vệ trên tất cả các đại dương thuộc phạm vi quyền hạn của ISA.
Các tác giả cũng khuyến nghị các nước nên khuyến khích tái chế pin kim loại để giảm nhu cầu tìm nguồn cung mới.
Hội đồng Đại dương quy tụ các nguyên thủ quốc gia từ 14 quốc gia, trong đó có Australia, Canada, Chile, Kenya, Nhật Bản và Na Uy.
Mai Đan