Thứ sáu, 22/11/2024 11:57 (GMT+7)
Thứ ba, 03/11/2020 09:21 (GMT+7)

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Làm rõ vấn đề môi trường ở đô thị, nông thôn

Theo dõi KTMT trên

Để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nhà khoa học đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững

Theo các nhà khoa học, Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, các nhiệm vụ về môi trường được dự thảo báo cáo đề cập khá toàn diện, đầy đủ đối với 4 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp chính. Tuy nhiên, để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai trong thực tế, Ban soạn thảo cũng cần sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp một cách chặt chẽ và logic.

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Làm rõ vấn đề môi trường ở đô thị, nông thôn - Ảnh 1
Đối với khu vực đô thị, vấn đề môi trường chính là ô nhiễm không khí, tiếng ồn do giao thông - vận tải... Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, trong Nhóm nhiệm vụ về phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và cấp địa phương; thực hiện và nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược cho các chiến lược, quy hoạch cũng như các kế hoạch.

Trong Nhóm nhiệm vụ về cải thiện môi trường cần bổ sung nhiệm vụ tăng cường thu gom, xử lý các sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các thiết bị, linh kiện, chất thải điện tử đang ngày càng gia tăng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhóm nhiệm vụ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được trình bày trong dự thảo báo cáo khá mờ nhạt nên cần được bổ sung việc duy trì diện tích đất rừng, đất để bảo tồn đa dạng sinh học; nghiêm cấm xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển…

Trong Nhóm nhiệm vụ về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cần bổ sung các nhiệm vụ liên quan đến tăng cường ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng lực của cơ quan quản lý môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ban soạn thảo cũng cần trình bày rõ 4 nhóm giải pháp chính như hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp; đẩy mạnh áp dụng các công cụ kỹ thuật; xây dựng và triển khai áp dụng các công cụ kinh tế; tăng cường triển khai các công cụ truyền thông trong công tác quản lý tài nguyên - môi trường và trong quá trình thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ cần kết hợp hài hòa với 4 nhóm giải pháp.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thế Chinh cho rằng về cơ bản, những giải pháp đưa ra đã tiếp cận theo hướng phát triển nhanh và bền vững, tuy nhiên khó xác định đã đáp ứng yêu cầu hay chưa vì còn phụ thuộc vào hai nhóm còn lại của nội hàm phát triển là kinh tế và xã hội, những rủi ro khó lường trước và dự báo như dịch COVID-19, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Ngoài ra, phát triển bền vững còn ảnh hưởng lớn bởi hoàn thiện thể chế tạo cơ hội cho sự phát triển đó.

Cần nêu rõ những giải pháp đặc thù ở đô thị và nông thôn

Mặc dù dự thảo báo cáo đã đề cập các vấn đề môi trường đô thị và nông thôn, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ nhận thấy, dự thảo các báo cáo này chưa trình bày về các nhiệm vụ, giải pháp riêng biệt đối với khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Làm rõ vấn đề môi trường ở đô thị, nông thôn - Ảnh 2
Khu vực chứa và xử lý rác thải huyện Ngọc Hồi gây ô nhiễm cho 173 hộ dân tại thôn 2, xã Đăk Kan. tỉnh Kon Tum. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, các vấn đề môi trường tại khu vực đô thị và nông thôn có nhiều đặc trưng khác nhau về tính chất, quy mô, phân bố, nguồn tiếp nhận chất thải, nên yêu cầu, mục tiêu đề ra cũng như các giải pháp kỹ thuật sẽ khác nhau. Vì vậy, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp chung, dự thảo các báo cáo cũng cần nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp đặc thù đối với khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Đối với khu vực đô thị, vấn đề môi trường chính là ô nhiễm không khí, tiếng ồn do giao thông - vận tải, hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chất thải rắn sinh hoạt, bùn thải do nạo vét hệ thống thoát nước, kênh rạch, bùn hút hầm cầu, chất thải rắn công nghiệp, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế, chất thải điện tử. Ngoài ra, đô thị còn có những vấn đề ô nhiễm do kẹt xe, ngập lụt.

Đối với khu vực nông thôn, các vấn đề môi trường gắn với sinh hoạt của người dân như nước thải, chất thải rắn; bao bì phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong trồng trọt; nước thải, mùi hôi, phân gia súc, gia cầm trong chăn nuôi; nước thải, khí thải, mùi hôi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại ở làng nghề, hoạt động tiểu thủ công nghiệp; nước thải, bùn thải từ ao nuôi trong nuôi trồng thủy sản…

Đồng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Chinh cho rằng ở nông thôn vấn đề quan trọng nhất là chất thải rắn, nước thải, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Ngoài ra, vấn đề sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học cho sản xuất nông nghiệp cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Những khu vực nông thôn có làng nghề cần phải được quy hoạch, quản lý và có biện pháp xử lý phù hợp để vừa phát triển làng nghề vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Trong giai đoạn 2021-2025 cần có kế hoạch hành động cụ thể, nhất là rác thải và nước thải. Rác thải phải được phân loại tại nguồn để tận dụng những chất hữu cơ, những thứ có thể dùng lại và tái chế, đặc biệt là chất thải nhựa và túi nilon, nước thải phải có biện pháp thu hồi và xử lý phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam nên phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, gắn với môi trường sinh thái.

Khu vực đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên những vấn đề ô nhiễm không khí, phân loại rác tại nguồn cho tái sử dụng, tái chế, xử lý đốt rác và làm phân compost, xử lý nước thải tập trung không xả thải ra nguồn nước chung, tăng cường diện tích không gian xanh; tiếp tục có biện pháp giải quyết vấn đề úng ngập về mùa mưa ở những đô thị. Giai đoạn 2021-2030, dự thảo cần bổ sung quy hoạch tổng thể về môi trường tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đô thị, phát triển đô thị xanh gắn với đô thị thông minh. Các mô hình kinh tế tiên phong phát triển ở đô thị phải là mô hình kinh tế xanh, kinh tế cacbon thấp, kinh tế tuần hoàn.

Minh Nguyệt

Bạn đang đọc bài viết Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Làm rõ vấn đề môi trường ở đô thị, nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới