Thứ sáu, 29/03/2024 19:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/03/2020 15:10 (GMT+7)

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng

Theo dõi KTMT trên

Ngay sau khi công trình thủy điện Thượng Kon Tum thực hiện việc tích nước đã khiến tình trạng khô hạn ở khu vực hạ lưu ngày càng nghiêm trọng.

Hơn 20 ngày, kể từ thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum, có công suất 220 MW trên thượng nguồn sông Đăk Snghé, thuộc địa bàn xã Đăk Kôi huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thực hiện việc tích nước hồ chứa, hàng trăm nông dân ở địa bàn thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cách công trình thủy điện này khoảng 30km về phía hạ lưu đứng ngồi không yên. Dòng sông Đăk Snghé vốn mênh mông nước ngay cả trong mùa khô giờ cạn trơ sỏi đá.

Gia đình anh Vũ Văn Luân trồng 2ha tiêu và trên 3ha cà phê ngay bên sông Đăk Snghé, túc trực cả ngày lẫn đêm cũng không có đủ nước để bơm tưới:“Nước quá cạn kiệt chứ mọi năm suối đây mênh mông nước, người dân lo và kêu than quá”.

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng - Ảnh 1
Lòng sông Đak Snghe đoạn qua thôn 3.

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn trưởng thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết, tổng diện tích canh tác của người dân ở khu vực này khoảng 200ha. Trong đó có 100ha cây công nghiệp và 100ha lúa nước cùng hoa màu. Để cứu cây trồng, người dân đã cùng nhau sử dụng bao cát, rọ đá chặn ngang dòng chảy của sông Đăk Snghé, kỹ đến mức không để nước lọt qua bờ đập chảy về phía hạ lưu. Thế nhưng nước vẫn chẳng đủ để cứu cây trồng.

“Hiện nay rất thiếu nước. Cây trồng có nguy cơ chết tới gần 50% rồi. Không cứu vãn được nữa”, ông Nam nói.

Thực tế cho thấy, thủy điện Thượng Kon Tum dù mới chỉ đang thực hiện việc tạm tích nước hồ chứa nhưng đã gây ra nhiều hệ lụy. Cùng với tạo ra một dòng sông chết dài hàng chục km ngay sau hồ chứa thủy điện, việc tích nước cũng khiến nhà máy thủy điện Đăk Ne phía hạ lưu chỉ còn nhận được lượng nước khoảng 1m3/s từ nguồn sinh thủy hai bên bờ sông, trong khi trước đây là từ 10 đến 12m3/s. Đây cũng là lý do để thủy điện này không thực hiện đúng cam kết xả dòng chảy môi trường tối thiểu 1,29m3/s cho người dân có nước bơm tưới chống hạn cho cây trồng.

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng - Ảnh 2
Một vườn cà phê khô lá, chết cành vì thiếu nước tưới.

Trước tình trạng sông Đăk Snghé khô cạn, đập thủy lợi Đăk Snghé không có nước để tưới cho cây trồng khiến hạn đã nặng lại càng thêm nặng.

Ông Phan Duy Huynh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết, cùng với báo cáo với chính quyền cấp trên và ngành chức năng của tỉnh, huyện Kon Rẫy cũng đã chủ động làm việc với đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh, chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum và Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh, chủ nhà máy thủy điện Đăk Ne, song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và rất bế tắc.

“Huyện Kon Rẫy đã tổ chức làm việc với các bên bàn biện pháp giải quyết khô hạn. Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Ne phải cam kết đảm bảo dòng chảy tối thiểu theo yêu cầu của Sở Công Thương là 1,29m3/s. Tuy nhiên, qua buổi làm việc, thủy điện Đăk Ne không ký vào biên bản cam kết. Thủy điện Thượng Kon Tum sau 60 ngày mới xả được cống môi trường thì lúc đó mới biết là dòng nước có đảm bảo cho dưới hạ du này hay không”, ông Phan Duy Huynh cho hay.

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng - Ảnh 3
Một dòng sông chết ngay sau thân đập hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum.

Nguy cơ trước mắt là một diện tích lớn cây trồng của người dân ở xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy mất trắng do sông Đăk Snghé khô kiệt. Về lâu dài, nỗi lo về những hệ lụy mà công trình thủy điện Thượng Kon Tum gây ra còn lớn hơn nhiều, đặc biệt là việc thiếu nước cho dòng sông Đăk Bla của tỉnh Kon Tum.

Lo lắng xuất phát từ việc thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đăk Snghé thuộc địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nhưng lại thiết kế “chia nước” sau phát điện cho dòng Đăk Lô thuộc lưu vực sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi. Điều này khiến người ta liên tưởng đến thủy điện An Khê- Kanak trên dòng sông Ba của tỉnh Gia Lai. Cũng với thiết kế kiểu “chia nước” về phía tỉnh Bình Định, công trình thủy điện An Khê- Kanak đã bị coi là “Công trình sai lầm thế kỷ” bởi những hệ lụy lớn mà nó gây ra.

Khoa Điềm

Bạn đang đọc bài viết Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.