Chuyên gia hiến kế xử lý 200.000 m3 vật chất khi nạo vét cảng Tiên Sa
Các chuyên gia đầu ngành về môi trường biển cùng hiến kế giúp Đà Nẵng tìm được vị trí tốt nhất để xử lý 200.000 m3 chất nạo vét luồng hàng hải vào cảng Tiên Sa.
Chiều 20/4, Sở TN&MT TP.Đà Nẵng chủ trì hội thảo khoa học về giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét từ hoạt động duy tu, xây dựng các tuyến luồng hàng hải, cảng tại Đà Nẵng.
Khẩn cấp nạo vét cảng Tiên Sa
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Tú Anh - Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và môi trường - Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện trạng tuyến luồng cảng Tiên Sa đã rất cạn, không đảm bảo chuẩn tắc thiết kế. Thực trạng này dẫn đến nhiều tàu có tải trọng lớn vào cảng phải neo chờ, một số hãng phải bỏ tuyến, chuyển tuyến, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, khai thác của các doanh nghiệp cảng, ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương. Vì thế, việc nạo vét duy tu đảm bảo chuẩn tắc tuyến luồng trở nên cấp bách.
Công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải Đà Nẵng nằm trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2021 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Phạm vi nạo vét từ luồng phao số 1, 2 đến hết vùng quay tàu bến số 3 bến cảng Tiên Sa.
Khối lượng nạo vét dự kiến khoảng trên 200.000m3, kinh phí được giao thực hiện là 46 tỉ đồng. Dự kiến thi công nạo vét từ cuối năm 2021 sau khi hoàn thành phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được giao khu vực biển.
Năm 2020 và đầu năm 2021, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn miền Bắc (viết tắt Tổng Công ty) phối hợp với Sở TN&MT Đà Nẵng, các đơn vị liên quan để tiếp tục tìm kiếm các vị trí trên bờ có khả năng tiếp nhận chất nạo vét công trình nhưng không có vị trí phù hợp.
Ngày 19/3/2021, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho Tổng Công ty nhận chìm chất nạo vét của công trình giai đoạn 2021-2025 tại khu vực biển có diện tích 100 ha và yêu cầu thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định.
Hiện nay, Cục Hàng hải đang giao Tổng Công ty triển khai các thủ tục lập báo cáo ĐTM, lập dự án nhận chìm ở biển và giao khu vực biển theo các quy định.
Rạn san hô có bị hủy diệt?
PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp - Trường ĐH TN&MT Hà Nội, cho hay theo báo cáo của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2016 thì khoảng 80%-90% chất được cấp phép nhận chìm ở biển là chất nạo vét.
Theo ông Ca, vị trí dự kiến nhận chìm ở vùng biển mở, sóng và dòng chảy mạnh. Vị trí này khá xa bờ và có độ sâu khá lớn. Khu vực này được dự báo là có hệ sinh thái đáy mềm với đa dạng sinh học không cao. Các quá trình động lực rất mạnh xung quanh bán đảo Sơn Trà sẽ làm cho nước đục từ chất nạo vét nhưng sẽ ảnh hưởng không đáng kể tới hệ sinh thái san hô, cỏ biển xung quanh bán đảo Sơn Trà.
Tuy nhiên, theo ông Ca, phải coi chất nạo vét là nguồn tài nguyên quý giá. Ông Ca đề xuất vị trí nhận chìm nên ở gần bờ, trong vịnh Đà Nẵng. Bởi sóng mạnh gần bờ sẽ rửa trôi dần bùn, sóng dài vào mùa hè sẽ mang cát vào bồi đắp bãi.
“Đà Nẵng nên xác định các khu vực bị xói lở ở bờ biển và chở cát tới để nhận chìm vào vị trí phía ngoài doi cát gần bờ. Nước biển tại một số bãi tắm sẽ khá đục trong thời gian nhận chìm nên làm giảm lượng du khách tắm biển. Tuy nhiên, nước đục trong biển sẽ bồi lắng rất nhanh do hiện tượng kết bông, khu vực ảnh hưởng sẽ không quá lớn” - ông Ca đề xuất.
Còn theo TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa môi trường - công nghệ hóa (Trường ĐH Duy Tân), lại cho rằng chất nạo vét khi nhận chìm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến san hô. Theo khảo sát của bà Phương, san hô khu vực Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đã gần như bị hủy diệt hoàn toàn, ở phía nam của bán đảo san hô cũng chết rất nhiều. Một trong những nguyên nhân san hô bị hủy diệt là do trầm tích. San hô phát triển do cộng sinh với tảo. Nếu trầm tích tăng đột ngột thì tảo cộng sinh sẽ chết trước, san hô chết sau.
“Thật ra vị trí nhận chìm khá nghèo sinh vật. Chất nạo vét khi đổ xuống biển không tác động nhiều ngay tại chỗ nhưng vì là cát thô đồng nghĩa với việc động lực học dòng chảy ở khu vực đó rất lớn, làm phát tán vật chất. Các dòng chảy lan truyền theo những hướng khác nhau tùy theo thời tiết, lan truyền đến sát chân bán đảo Sơn Trà, hủy diệt rạn san hô. TP nên tìm vị trí khác hợp lý hơn” - bà Phương nói.
Theo Ths. Huỳnh Vạn Thắng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Đà Nẵng kiến nghị cần có cách đưa bùn thải xuống tận đáy biển, tránh gây ảnh hưởng môi trường nước và mức độ khuếch tán trong nước sẽ giảm xuống.
Kết luận hội thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, việc nạo vét cảng là hết sức cần thiết vì ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của cảng Tiên Sa.
Khi tiếp cận các vấn đề nhạy cảm với môi trường thì phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp lý. Dư luận lo lắng là hợp lý nhưng hết sức yên tâm bởi có các quy định và các cơ quan tham mưu phải làm đúng.
Với dự án này, sở tiếp thu ý kiến các chuyên gia và sẽ đề xuất quy hoạch, phê duyệt vị trí nhận chìm. Văn bản của thành phố thể hiện rõ quan điểm là nhận chìm chất thải theo đúng các quy định.
Không cần thiết nạo vét cảng Tiên Sa
Theo kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật kinh tế biển TP.HCM cho rằng "không cần thiết" phải nạo vét cảng Tiên Sa. Muốn thực hiện nạo vét cảng Tiên Sa phải hiểu rõ về đặc điểm vị trí, địa lý, cũng như nguyên lý vùng biển này.
Ông cho biết vịnh Đà Nẵng có đặc thù rất đáng chú ý là, vịnh nhìn về phía Đông, vì vậy khi có gió mùa đông bắc - vịnh Đà Nẵng đều có nguy cơ gây nguy hiểm, tàu thuyền khó chịu đựng được sóng, gió trên vịnh này.
Vì thế, phát triển cảng Tiên Sa hay làm cảng Liên Chiểu đều phải cân nhắc rất kỹ, khó phát triển thành cảng lớn.
Riêng việc nạo vét cảng Tiên Sa phải lưu ý, cảng Tiên Sa chịu sự tác động của hai dòng chảy đó là: dòng chảy sông Hà và phía Bắc là một dòng nhỏ chảy từ dãy Trường Sơn ra. Trong khi, đặc điểm sông miền Trung ngắn, dốc, khi mưa lũ tất cả sa bồi từ Trường Sơn sẽ được đẩy về vịnh. Hai dòng chảy này đổ về khiến cảng Tiên Sa khó thoát tình trạng bị sa bồi.
"Nếu cứ thực hiện nạo vét thì nạo vét mãi, cuối cùng cũng lại thành luẩn quẩn, quanh năm đổ tiền đi nạo vét mà không khắc phục được tình trạng sa bồi", kỹ sư Doãn Mạnh Dũng chỉ rõ.
Ông lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện dự án phải dựa trên những đánh giá hiệu quả, khách quan, phù hợp với thực tế, tránh chạy theo những đề xuất của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp làm công tác nạo vét cảng biển thì bao giờ cũng mong muốn có dự án, có việc làm để làm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước quyết định phải dựa trên hiệu quả thực tế, không phải cứ "thừa giấy lại muốn vẽ voi"", vị kỹ sư nhấn mạnh.
Hà Lan