Xử lý kịp thời ô nhiễm môi trường: Cần tiến hành thanh tra đột xuất
Để xử lý kịp thời và triệt để các hành vi gây ô nhiễm, một trong những giải pháp cần áp dụng trong năm 2021 là tiến hành thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra đối với 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong đó, đơn vị này nhấn mạnh việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết để kịp thời phát hiện vi phạm trong bối cảnh các doanh nghiệp luôn có xu hướng đối phó với các đoàn thanh kiểm tra.
Ô nhiễm ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Long An, tình hình ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý, phân loại rác thải chưa thực hiện đồng bộ, nước thải từ các công ty, xí nghiệp chưa qua xử lý, xả thải ra bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Vì thế, cử tri đề nghị các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm đồng thời có các giải pháp nhằm hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải đúng quy định.
Trả lời về kiến nêu trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong thời gian qua, Bộ và các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
Minh chứng là trong 5 năm trở lại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra hơn 3.000 cơ sở, khu công nghiệp, qua đó phát hiện hơn 1.300 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 275 tỉ đồng. Ngoài ra, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua cũng đã bổ sung nhiều quy định về thanh tra, kiểm tra và một số quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Luật đã quy định bổ sung trách nhiệm kiểm tra, thanh tra đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, trách nhiệm kiểm tra của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã nhằm tăng cường lực lượng trong công tác thanh tra, kiểm tra; quy định thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết để khắc phục hạn chế trong pháp luật về thanh tra và tăng cường hiệu quả, kịp thời phát hiện vi phạm đối với các đoàn thanh tra trong bối cảnh các doanh nghiệp luôn có xu hướng đối phó với các đoàn thanh, kiểm tra.
Bên cạnh đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đã quy định mức xử phạt tối đa 1 tỉ đồng đối với cá nhân và là 2 tỉ đồng đối với tổ chức vi phạm về bảo vệ môi trường. Như vậy, mức xử phạt hiện nay là phù hợp và bảo đảm tính răn đe.
Tăng cường thanh kiểm tra 17 loại hình sản xuất
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường nắm bắt thông tin, rà soát, xác minh, kịp thời đề xuất tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất,…
Đối với kiến nghị có giải pháp hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải đúng quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, Chính phủ đã quy định cụ thể về phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt đồng thời giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã nêu rõ bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải.
Đặc biệt, Luật lần đầu tiên đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thành các loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, đề ra nhiều giải pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn để triển khai thực hiện; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn theo hướng làm thí điểm tại các địa phương có các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau, trên cơ sở đó làm cơ sở nhân rộng cho các địa phương.
Hùng Võ