Thứ sáu, 22/11/2024 13:33 (GMT+7)
Thứ năm, 07/07/2022 16:18 (GMT+7)

Giảm thuế bảo vệ môi trường xuống 1.000 đồng/lít: Vẫn chưa thể "hạ nhiệt" giá xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Theo giới chuyên gia, việc giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường vẫn chưa thể làm "hạ nhiệt" giá xăng, mà cần giảm các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

Xăng dầu vẫn phải "gồng gánh" nhiều mức thuế, phí

Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 - 700 đồng với dầu, đồng thời yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh 11/7.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế, cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Theo chuyên gia, khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn thì việc giảm thuế phí là giải pháp cần phải tính đến “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang gồng gánh khoảng 34 - 35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán. Nói cho dễ hiểu, với mỗi lít xăng giá khoảng 30.000 đồng, 1/3 trong đó là thuế, phí.

Trong 4 sắc thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng, dầu (gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt), TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bãi bỏ.

“Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao, thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu.”, TS Trinh nói.

Giảm thuế bảo vệ môi trường xuống 1.000 đồng/lít: Vẫn chưa thể "hạ nhiệt" giá xăng dầu - Ảnh 1

PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. “Xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, không phải xa xỉ phẩm nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này không hợp lý. Hơn nữa đây là thời điểm cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi kiệt quệ vì dịch COVID-19”, ông Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cho rằng cơ quan điều hành cần phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng, dầu chứ không chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường. Bởi với mức giá xăng dầu hiện tại, nếu chỉ giảm thêm thuế môi trường sẽ chỉ mang tính thời điểm, khó có thể khiến giá xăng “hạ nhiệt”.

Cần “mạnh dạn” đề xuất giảm thêm

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ và các Bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

"Đây là vấn đề nóng, thực sự cần thiết. Nên chăng có giải pháp sớm để quyết định chính sách này, giúp giảm bớt ảnh hưởng của giá xăng tới người dân, doanh nghiệp," ông Liên nói.

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện tổng cộng các loại thuế phí chiếm trên 60% giá xăng dầu, dẫn đến giá xăng dầu trong nước ở mức cao... Để giảm giá xăng, nhiều nước trên thế giới cũng đã có các chính sách về thuế để thực hiện.

Quan điểm là không chỉ có thuế bảo vệ môi trường mà còn các loại thuế khác cũng có thể xem xét như thuế nhập khẩu. Cái gì giảm được nên giảm, song cần tính toán chi tiết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.

Các phương án giảm thuế phí xăng dầu nếu được thực hiện sẽ giúp hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch của Chính phủ.

Để hỗ trợ giảm tác động từ giá xăng dầu, ngoài thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp.

Bộ Tài chính cho biết trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong năm 2022, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu trong năm 2022.

Mức giảm các loại xăng, dầu

Theo nghị quyết của Chính phủ, thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; dầu ma-dút, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg và dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít. Đây là lần thứ 2 thuế BVMT với xăng dầu được giảm. Với 2 lần giảm, Bộ Tài chính ước tính hụt thu ngân sách trên 32.500 tỉ đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Giảm thuế bảo vệ môi trường xuống 1.000 đồng/lít: Vẫn chưa thể "hạ nhiệt" giá xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới