Thứ bảy, 15/02/2025 20:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/02/2025 06:45 (GMT+7)

Giảm phát thải carbon ngành logistics: Áp lực và cơ hội

Theo dõi KTMT trên

Giảm phát thải carbon ngành logistics đã trở thành vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này có thể trở thành một dịch vụ gia tăng, và là yếu tố cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Giảm phát thải carbon ngành logistics: Áp lực và cơ hội - Ảnh 1

Giảm phát thải là vấn đề sống còn với doanh nghiệp

Ngành logistics hiện đang là một trong những nguồn phát thải khí carbon đáng kể, chiếm từ 7% đến 8% lượng phát thải toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ trong vận tải hàng hóa, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. Thống kê cho thấy, 75% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ, 12% bằng đường biển và 2% bằng đường sắt. Hơn nữa, 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, góp phần gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn carbon. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm. Dự báo, phát thải carbon của các ngành vận tải sẽ ở mức 90 triệu tấn vào năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành logistics còn chịu tác động mạnh mẽ từ các chính sách và hội nhập quốc tế. Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn logistics để hướng tới phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trên phạm vi toàn cầu, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế. Dự báo, khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

Theo báo cáo và nghiên cứu dự báo của Standard Chartered thì Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại của toàn cầu và dự báo đến năm 2030 xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt trên 680 tỉ USD và với mức tăng trưởng trung bình 7%/năm.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu, sản xuất và sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là những động lực chính cho sự phát triển của dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo xu hướng chung của thế giới ngành logistics nói chung và ngành logistics của Việt Nam nói riêng cũng đang đứng trước những đòi hỏi về chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm. Ví dụ như Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đang siết chặt những quy định về nhiên liệu hàng hải và những quy định này sẽ tác động đến toàn bộ ngành hàng hải thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi các quy định đó.

Bên cạnh những áp lực về việc tuân thủ quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, các đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều có yêu cầu rất cao về các tiêu chí xanh.

Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là chỉ yêu cầu sản phẩm phải xanh; còn hiện nay tiêu chí này áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh.

Mới đây Liên minh châu Âu (EU) ban hành cơ chế chuyển đổi biên giới carbon là CBAM năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo cơ chế này, EU sẽ áp thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam và thuế này sẽ tùy thuộc vào lượng phát thải của quá trình sản xuất ra sản phẩm đó ở nước xuất khẩu.

Hoa Kỳ sắp tới cũng đang dự kiến sẽ áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu. Những quy định này sẽ đòi hỏi các quá trình sản xuất ra hàng hóa ở các nước xuất khẩu phải xanh.

Giảm phát thải carbon ngành logistics: Áp lực và cơ hội - Ảnh 2

Áp lực và cơ hội của doanh nghiệp

Việc chuyển đổi xanh ngành logistics là bước đi chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thách thức là tương đối lớn.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển xanh, giảm phát thải của ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chính sách và văn bản pháp luật liên quan đến ngành logistics chưa được thực hiện một cách chi tiết và đồng nhất; cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ; quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng của doanh nghiệp logistics còn hạn chế... Thực tế này khiến việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi xanh hóa ngành logistics gặp nhiều trở ngại.

Ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Vàng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay nếu doanh nghiệp không thực hiện tiêu chí về môi trường và logistics xanh trong tương lai sẽ dần bị loại khỏi quỹ đạo kinh doanh và thương mại. Đây không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà cả thế giới về một xu hướng chung.

Đặc biệt, doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh lớn, từ một số thị trường mới nổi và cần lưu ý kỹ vấn đề này. Chẳng hạn khối dệt may, da giày mất nhiều đơn hàng bởi doanh nghiệp Bangladesh và một số nước châu Âu sử dụng công nghệ sản xuất xanh, yêu cầu giảm thải, chất lượng cao về môi trường.

Ông Lê Sơn Hiếu, Giám đốc Công ty Vận chuyển hàng quốc tế Việt An Express cho hay, thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn thế giới. Do đó, nếu thực sự muốn khai thác được tiềm năng của logistics xanh, doanh nghiệp cần có sự đầu tư chiến lược để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn. Đồng thời, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý kho hàng bằng việc sử dụng phần mềm quản lý vận tải – TMS hay các giải pháp phần mềm để phân tích và tối ưu hóa tuyến đường, giúp giảm số km đi không cần thiết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.

Tuy nhiên, các quy định và chính sách phát triển xanh hiện tại mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh, nhất là liên quan tới kho bãi, hệ thống công nghệ thông tin. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để bảo đảm phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải, tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường…

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho biết, là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng. Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp và toàn ngành logistics mà còn tác động đến nền kinh tế và xã hội nói chung.

Giảm phát thải carbon ngành logistics: Áp lực và cơ hội - Ảnh 3

Từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Theo ông Stéphane Graber - Tổng Giám đốc FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế) cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức.

Cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững. Ví dụ, đầu tư vào công nghệ mới, tài liệu vận tải điện tử. Việc đầu tư vào công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa tuyến đường và giảm phát thải.

Khai thác lợi thế của đường thủy – cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về các tuyến vận tải thay thế nhằm giảm áp lực lên đường bộ.

Các doanh nghiệp giao nhận, đặc biệt là SMEs, nên trang bị kiến thức mới nhất về cắt giảm phát thải carbon – điều này bao gồm việc cập nhật thông tin thông qua các tổ chức ngành như FIATA về các quy định trong nước và quốc tế, thực hiện đánh giá dấu chân carbon để xác định các lĩnh vực cần cải thiện, cũng như nâng cao tính minh bạch trong báo cáo.

Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định mà còn có thể trở thành một dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng và là yếu tố cạnh tranh quan trọng.

Cuối cùng, cần mở rộng đối thoại với các đối tác – thúc đẩy hợp tác giữa SMEs và các công ty lớn hơn để chia sẻ thông tin, tài nguyên và nâng cao kiến thức, giúp cả ngành cùng phát triển theo hướng bền vững.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Giảm phát thải carbon ngành logistics: Áp lực và cơ hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Những khúc "tráng ca" về doanh nhân
Phạm Hồng Điệp là người rất mê âm nhạc, dù không qua trường lớp, nhưng chính từ thực tế sáng tạo và tâm huyết của mình, anh đã có nhiều sáng tác về doanh nhân.