Giảm phát thải trong ngành dệt may: Vải được “dệt” từ…vi khuẩn
Theo các chuyên gia đến từ Đại học RMIT, việc sử dụng vải sinh thái có thể làm giảm lượng ô nhiễm nhựa và đóng góp tích cực vào quá trình chống biến đổi khí hậu.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và có tác động môi trường mạnh mẽ nhất trên toàn cầu. Theo thông tin từ Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, ngành dệt may và giày dép toàn cầu phát thải khoảng 3,9 tỷ tấn CO₂ tương đương mỗi năm, chiếm từ 8% đến 10% tổng lượng khí thải CO₂ toàn cầu. Lượng phát thải này tiếp tục gia tăng khi sản lượng toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2015 đã tăng gấp đôi lên khoảng 100 tỷ sản phẩm mỗi năm, và dự báo sẽ tăng thêm 63% đạt 154 triệu tấn vào năm 2030.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng và chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp, phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
![Giảm phát thải trong ngành dệt may: Vải được “dệt” từ…vi khuẩn - Ảnh 1](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/11/19-1739264387-hinh-1.jpg)
Vấn đề giảm phát thải trong ngành dệt may đã và đang được Chính phủ hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã đang nỗ lực “xanh hóa” từ chuỗi sản xuất đến nguồn cung ứng.
Mới đây, thông tin nhóm nghiên cứu Đại học RMIT Việt Nam biến cellulose vi khuẩn lấy từ màng sinh học hình thành khi lên men kombucha thành một loại vải vừa bền vừa thân thiện với môi trường khiến dư luận hết sức quan tâm. Theo nhóm chuyên gia, nghiên cứu này có khả năng sẽ tạo ra “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực sản xuất thời trang tại Việt Nam.
Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. Donna Cleveland và PGS. Rajkishore Nayak, hai chuyên gia Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam.
![Giảm phát thải trong ngành dệt may: Vải được “dệt” từ…vi khuẩn - Ảnh 2](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/11/19-1739264589-pgs-rajishore-nayak-va-pgs-donna-cleveland.jpg)
Khả năng phân hủy trong thời gian ngắn
-Thưa các chuyên gia, việc giảm phát thải trong ngành dệt may đang là vấn đề toàn cầu. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng, vải sinh thái sẽ là một trong những giải pháp giảm phát thải trong ngành may mặc. Ông bà có thể cho biết, tại các nước trên thế giới đã có nghiên cứu hoặc sản phẩm tương tự như vậy?
-PGS. Donna Cleveland: Theo tôi được biết, nghiên cứu tương tự về chất liệu cellulose vi khuẩn nhằm ứng dụng trong dệt may đã được tiến hành tại một số quốc gia trên khắp thế giới. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, Suzanne Lee – nhà sáng lập hãng thời trang BioCouture – đã tạo ra công trình tiên phong trong lĩnh vực này, làm tiền lệ cho các nhà nghiên cứu khác tìm hiểu cách sử dụng cellulose vi khuẩn để tạo ra thời trang bền vững. Ngoài ra, lĩnh vực này cũng đã bắt đầu phát triển ở các một số nước khác ở châu Âu và châu Á.
Phương pháp tiếp cận của chúng tôi sử dụng các nguyên liệu địa phương ở Việt Nam để nuôi cellulose vi khuẩn, qua đó đem đến một cách làm độc đáo, có tích hợp phế phụ phẩm nông nghiệp địa phương. Điều này làm nên điểm khác biệt cho nghiên cứu của chúng tôi.
-Nhiều người tò mò, nghiên cứu của các chuyên gia Đại học RMIT về vải sinh thái, thời trang lên men đã ra được sản phẩm chưa?
-PGS. Donna Cleveland: Trong dự án nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào việc phát triển và tinh chỉnh các đặc tính của cellulose vi khuẩn để hiểu được tiềm năng của nó như một vật liệu dệt may bền vững. Mặc dù chúng tôi chưa sản xuất hàng may mặc thương mại, nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng vật liệu này có thể được ứng dụng thành công thông qua các dự án cộng đồng, nơi những người tham gia chế tạo các mặt hàng như bảng thực đơn hay ví thân thiện với môi trường bằng vật liệu này.
![Giảm phát thải trong ngành dệt may: Vải được “dệt” từ…vi khuẩn - Ảnh 3](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/11/19-1739266156-z6307794412389-5173ea3505249450a5be06eaeaced59d.jpg)
-Vậy độ bền và giá thành của vật liệu này ra sao so với các loại vải thông thường khác trên thị trường?
-PGS. Donna Cleveland: Chất liệu cellulose vi khuẩn có độ bền ấn tượng và khả năng chịu đựng kéo dãn tương đương với một số loại vải thông thường. Về chi phí, mặc dù hiện tại chi phí sản xuất vật liệu này cao hơn vải sản xuất hàng loạt do quy mô sản xuất thủ công, chúng tôi đang nghiên cứu các cách để mở rộng quy mô sản xuất với mục tiêu giảm đáng kể chi phí, giúp sản phẩm cải thiện khả năng cạnh tranh với các vật liệu truyền thống.
-PGS. Rajkishore Nayak: Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngoài chi phí còn có những thách thức liên quan đến chế tác thương mại, khả năng mở rộng quy mô và tính nhất quán về chất lượng. Tốc độ sản xuất cellulose vi khuẩn khá chậm, có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu công nghiệp cao khi sản phẩm được thương mại hóa. Hơn nữa, còn có những thách thức liên quan đến tính nhất quán về chất lượng vì khá khó để chế tạo cellulose vi khuẩn có chất lượng đồng đều trong toàn bộ mẫu và lô sản xuất.
-Theo các nghiên cứu cho thấy, các loại vải da tổng hợp mất từ 25-40 năm để phân hủy; vải nylon cần 30 - 40 năm trong khi vải polyester phải mất 20 cho đến 200 năm mới phân hủy hoàn toàn. Vậy, khả năng phân hủy của vải sinh thái từ Cellulose vi khuẩn sẽ ra sao?
-PGS. Rajkishore Nayak: Cellulose vi khuẩn là một loại cellulose tự nhiên do vi sinh vật tạo ra. Do có nguồn gốc tự nhiên và được sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo, nên vật liệu này dễ phân hủy sinh học. Cách tiếp cận dễ nhất là sử dụng một số enzyme như cellulase để phân hủy cellulose vi khuẩn. Trong quá trình phân hủy, chuỗi polyme cellulose được chuyển đổi thành các phân tử đường nhỏ hơn như glucose, đồng thời giải phóng một lượng nhỏ CO2 và nước. Không giống như nhựa mất vài thập kỷ để phân hủy, cellulose vi khuẩn có thể phân hủy khá nhanh (thường là 3-6 tháng đến một năm).
-PGS. Donna Cleveland: Cellulose vi khuẩn có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và phân hủy hữu cơ (thành phân ủ “compost”) trong điều kiện tự nhiên. Vật liệu này phân hủy nhanh hơn nhiều so với sợi tổng hợp, một tác nhân chính gây ô nhiễm vi nhựa. Điều này khiến nó trở thành ứng cử viên tuyệt vời để giảm chất thải dài hạn trong ngành thời trang.
Góp phần giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu
-Việt Nam đang trong cuộc đua Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26. Thực tế cho thấy, hiện nay, may mặc là một trong những ngành có mức phát thải lớn. Liệu sản phẩm vải sinh thái này sẽ góp phần như thế nào trong việc giảm phát thải, thưa hai chuyên gia?
-PGS. Donna Cleveland: Bằng cách tích hợp hàng dệt may từ cellulose vi khuẩn vào thị trường, chúng tôi hướng đến mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào sợi có nguồn gốc từ hóa dầu, vốn là loại sợi thải ra nhiều carbon khi sản xuất. Vì cellulose của chúng tôi được nuôi trồng bằng chất thải hữu cơ nên cũng giúp giảm chất thải rắn và khí thải sinh ra trong quá trình sản xuất và thải bỏ sợi truyền thống.
-PGS. Rajkishore Nayak: Việc đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ. Cần có kế hoạch hành động và chiến lược chi tiết để đạt được mục tiêu này. Sản xuất thời trang và dệt may tại Việt Nam thải ra lượng khí thải carbon đáng kể, vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, việc sử dụng nhựa trong thời trang và dệt may là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Việc sử dụng cellulose vi khuẩn có thể làm giảm lượng ô nhiễm nhựa và đóng góp tích cực vào quá trình chống biến đổi khí hậu.
![Giảm phát thải trong ngành dệt may: Vải được “dệt” từ…vi khuẩn - Ảnh 4](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/11/19-1739264705-hinh-2.jpg)
-Ông bà đánh giá như thế nào về tính khả thi của việc sản xuất đại trà các sản phẩm quần áo bằng vải sinh thái tại Việt Nam trong những năm tới?
-PGS. Donna Cleveland: Khả năng sản xuất đại trà quần áo làm từ vải sinh thái như cellulose vi khuẩn ở Việt Nam khá hứa hẹn. Các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở đây ngày càng ủng hộ các sáng kiến bền vững, phù hợp với việc áp dụng các giải pháp dệt may sáng tạo. Với những tiến bộ trong công nghệ lên men và sự thay đổi chiến lược hướng tới các hoạt động sản xuất bền vững hơn, Việt Nam thực sự có thể trở thành quốc gia đi đầu trong sản xuất vải sinh thái.
Điều kiện khí hậu và môi trường ở Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của cellulose vi khuẩn, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho những sáng kiến như vậy. Chúng tôi đang tích cực mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu công nghiệp trong khi vẫn duy trì lợi ích về môi trường của vật liệu. Lấy cảm hứng từ thành công của các sáng kiến thu hút các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các quy trình tương tự (như sản xuất bánh tráng), chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn để tích hợp cellulose vi khuẩn vào hệ sinh thái sản xuất ở Việt Nam, hỗ trợ thêm cho hành trình hướng tới dệt may bền vững tại đây.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Anh Văn (Thực hiện)