Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo Nghị quyết của Chính phủ, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với đối tượng đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngày 30/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến, tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, cơ quan này đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính.
Cũng trong năm 2022, số tiền thuê đất được giảm (30%) khoảng 3.500 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Mức giảm tiền thuê đất, mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước của năm 2023. Trường hợp người thuê đang được giảm hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, mức giảm 30% này được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước phải nộp sau khi đã giảm hoặc khấu trừ.
Ngoài ra, quy mô các hỗ trợ tài khóa như giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%; gia hạn tiền thuế phải nộp; giảm tiền thuê đất, mặt nước; giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn trong biểu khung thuế... là khoảng 233.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ đã phân công, phân nhiệm cho các đơn vị trực thuộc với 108 nhiệm vụ và giải pháp.
Trọng tâm năm 2023 của Bộ Tài chính là tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, Bộ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn.
Trong bối cảnh doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn, năm 2023 Bộ Tài chính sẽ đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn, kéo dài giãn, hoãn thời gian nộp thuế như đã thực hiện trong năm 2022.
Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp về mặt pháp lý, dòng tiền… đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, từ đó năng lực của nền kinh tế cũng được tăng lên, giải quyết được lao động, tăng thu ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội.
Việc giảm tiền thuê đất giúp giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp. Từng trao đổi về vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, đây là lực đỡ rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chúng ta làm ổ để đón đại bàng.
"Chúng ta thấy, nếu 100 đồng thì bây giờ chúng ta chỉ đóng 70 đồng. Đây đúng nghĩa là gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ở khu vực bất động sản công nghiệp cũng như những nhà máy sản xuất kinh doanh mà chúng ta đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tham gia thị trường", TS. Sử Ngọc Khương đánh giá
Lan Anh