Thứ năm, 25/04/2024 00:37 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/01/2023 11:00 (GMT+7)

Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần nhiên liệu hóa thạch

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn năng lượng này vẫn còn hạn chế.

Là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của nguồn năng lượng tái tạo chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương yêu cẩu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện.

Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1
Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, mới đây Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2756/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm thực hiện kế hoạch, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với các mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện. Nghiên cứu, đề xuất quy định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các quy định về phát triển hệ thống sạc điện phục vụ phương tiện giao thông vận tải. Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch và các nhiệm vụ đã giao tại Quyết định số 626/QĐ-BCT ngày 5/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Đồng thời, Bộ Công Thương giao Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu sửa đổi lộ trình phát triển lưới điện thông minh để tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải. Hoàn thiện và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy mạnh cơ chế khai thác hạ tầng dùng chung trong ngành điện.

Việc triển khai Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng của hệ thống điện, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng.

Chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan để xây dựng và hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) góp phần thúc đẩy phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo. Xây dựng hoàn thiện khung giá các loại phát điện theo quy định của pháp luật. Chủ trì xây dựng cơ chế chính sách về giá mua bán điện đối với hệ thống trạm sạc điện cho phương tiện giao thông vận tải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghiên cứu xây dựng quy định về tỷ lệ năng lượng tái tạo (renewable portfolio standard) cho các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện phù hợp với mục tiêu giảm phát thải hàng năm của Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhận thức được tiềm năng, vai trò của năng lượng tái tạo trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, Chính phủ khẳng định: “Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần nhiên liệu hóa thạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới