Thứ sáu, 22/11/2024 11:03 (GMT+7)
Thứ ba, 07/06/2022 17:05 (GMT+7)

Giải pháp nào cho 'điệp khúc' ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu?

Theo dõi KTMT trên

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với nước ta. Để giải quyết vấn đề này thì cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

“Có trách nhiệm của Bộ ” trong việc ùn ứ nông sản

Chiều nay (7/6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước Châu Âu và Hoa Kỳ. Vậy Bộ cần có giải pháp gì để giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó để tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, ông thừa nhận thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. Do đó, theo Bộ trưởng, với con số 14 triệu hộ nông dân luôn phải đối mặt với những rủi ro.

Giải pháp nào cho 'điệp khúc' ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu? - Ảnh 1
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: quochoi.vn)

Thực tế, Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng ta chậm thay đổi. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nhìn nhận có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ NN&PTNT chậm thông tin để cho người dân biết. Ngoài ra, bà con nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù Bộ NN&PTNT cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, về giải pháp không thể chỉ dùng biện pháp truyền thống, chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. 

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, tiến tới đưa nông sản Việt Nam "danh chính ngôn thuận" nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao của Trung Quốc. Để làm được điều này, đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới. Muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.

“Để một ngày nào đó hàng hóa của chúng ta chuẩn hóa, đưa sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Hằng năm có hàng ngàn thông tin về thay đổi biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó chúng ta không cưỡng lại được mà phải đáp ứng, thích nghi”, ông Hoan nhấn mạnh.

Nâng cao vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp

Liên quan đến vấn đề về bình ổn giá vật tư nông nghiệp, nạn phân bón giả, theo đại biểu Chu Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cả các loại hàng hóa càng tăng phi mã hả.

Đại biểu Thái cho rằng, đây rõ ràng là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ các giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này?

Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, thời gian qua, người nông dân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan trên thị trường hiện nay?

Giải pháp nào cho 'điệp khúc' ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu? - Ảnh 2
Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào tăng cao, có những loại phân bón tăng đến 200%, trong khi đó giá bán nông sản thấp. (Ảnh: Dân Việt)

Cùng đặt câu hỏi về lĩnh vực này, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào tăng cao, có những loại phân bón tăng đến 200%, trong khi đó giá bán nông sản thấp, có thời điểm không tiêu thụ được.. Trong khi đó, giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón, thuốc trừ sâu cũng như giá xăng dầu liên tục tăng làm cho người nông dân sản xuất không có lời.

Điều này dẫn đến thực trạng, có rất nhiều diện tích đất trồng thanh long, người dân phải phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Thậm chí có rất nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ không, người dân không sản xuất vì tâm lý lo ngại bị thua lỗ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có những giải pháp để kiểm soát được giá cả vật tư nông nghiệp và định hướng cho các địa phương trong quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng công nghệ cao với giá cả đầu ra ổn định, giúp cho người nông dân được an tâm sản xuất?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Hoan nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Bộ trưởng cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ NN&PTNT đang định hướng triển khai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho 'điệp khúc' ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới