Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, từng bước siết chặt, triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý khoáng sản.
Tạo hành lang pháp lý quản lý hiệu quả
Trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.
Tài nguyên khoáng sản là hữu hạn cho nên cần có những chính sách khai thác hợp lý, tránh lãng phí và có thể tận dụng tối đa giá trị, nguồn lợi từ khoáng sản.
Với hơn 5.000 điểm mỏ, với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Những loại có trữ lượng lớn như là bô xít, apatit, titan, than, đất hiếm và granit hay những loại có giá trị cao như vàng Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Khoáng sản là nguồn nguyên liệu chính cho nhiều ngành công nghiệp then chốt và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và thu ngân sách.
Báo cáo của Tổng cục thuế cho hay, trung bình mỗi năm nhà nước thu ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 4.00 -4.500 tỷ đồng từ các doanh nghiệp được cấp phép. Nhưng qua kết quả vừa công bố của Kiểm toán nhà nước cho thấy, không ít doanh nghiệp đã khai thác vượt mức cho phép vài chục cho đến cả trăm phần trăm. Thậm chí có doanh nghiệp còn khai thác gấp cả trăm lần.
Một mỏ than ở Thái Nguyên được cấp phép 136 nghìn tấn trong 17 năm, số tiền nộp cấp quyền khai thác cho Nhà nước là 2,9 tỷ đồng. Nhưng chỉ 2 năm, doanh nghiệp đã khai thác gấp hơn 120 lần, tức số tiền cấp quyền khai thác đáng ra phải là 350 tỷ đồng.
Khi trữ lượng bị khai thác trái phép gấp hàng trăm lần lượng cho phép, điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp trốn được tiền cấp quyền khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường… nguồn siêu lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Chậm hoàn thổ sau khai thác khoáng sản
Tức số tiền doanh nghiệp khai thác phải nộp khi được cấp quyền khai thác, nếu không đáp ứng các yêu cầu quy định về hoàn trả mặt bằng sau khai thác sẽ không được nhận lại. Nhưng đáng nói, vòng đời của một mỏ có thể là 10 năm, 15 năm… số tiền thu lợi lớn hơn rất nhiều so với tiền ký quỹ nên doanh nghiệp chẳng những không hoàn thổ, mà còn để lại nhiều hệ luỵ.
Mỏ đất đồi tại Đà Nẵng có diện tích 5,1 ha do Công ty Sơn Hải khai thác và hết hạn giấy phép từ năm 2014 nhưng đã gần 8 năm trôi qua, công tác phục hồi môi trường vẫn chỉ là những mô đất đá nham nhở.
Còn thực trạng tại một mỏ khai thác đá hết hạn năm 2020 tại Đà Nẵng cũng cho thấy, sau khai thác, doanh nghiệp không chỉ để lại bồi lấp đất ruộng của người dân mà còn cả máy móc rỉ sét.
Về quy định khi hết hạn giấy phép, doanh nghiệp được cho thời gian để tận thu và phục hồi môi trường nhưng đến nay chỉ tính riêng huyện Hòa Vang, Đà Nẵng vẫn còn 17 mỏ khoáng sản hết hạn giấy phép từ 2-8 năm nhưng vẫn chây ì, chưa hoàn thổ xong.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho hay, TP đã kiểm tra và xử phạt 4 doanh nghiệp, tổng số tiền hơn 660 tiệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2015, Đà Nẵng đã yêu cầu phải cược thêm 500 triệu đồng một mỏ.
Đất nước ta vốn có nguồn tài nguyên phong phú nhưng các mỏ khoáng sản vốn không giống như niêu cơm Thạch Sanh hết lại đầy. Chính vì tài nguyên khoáng sản là hữu hạn cho nên cần có những chính sách khai thác hợp lý, tránh lãng phí và có thể tận dụng tối đa giá trị, nguồn lợi từ khoáng sản.
Song song với đó phải phát triển công nghệ, dây chuyền kỹ thuật để làm sao hạn chế tối đa việc xuất khẩu khoáng sản thô với giá trị thấp; đồng thời khai thác khoáng sản phải đi liền với bảo vệ môi trường, không tận thu làm ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ tương lai. Có làm được như vậy, ngành công nghiệp khai khoáng mới phát huy được hết tiềm năng và đúng vai trò nhiệm vụ của mình. Vậy giải pháp nào cho quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản?
Việc xây dựng và ban hành Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ thúc đẩy công tác điều tra, đánh giá, tìm kiếm các tài nguyên về địa chất, khoáng sản, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản cho trước mắt và lâu dài.
Huyền Diệu