Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm tài nguyên – khoáng sản
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt nam đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Ngày 10/11, tại buổi làm việc về nội dung “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản”, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xin ý kiến Bộ TN&MT các nội dung về sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Bởi theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có một số quy định không mang tính chế tài mà là quy định về nội dung như: khái niệm về mỏ đơn kim, đa kim; về vấn đề liên quan đến đá ốp lát, nguyên liệu xi măng... Các đơn vị liên quan cho rằng, cần đưa ra quy định rõ ràng việc phê duyệt trữ lượng khoáng sản và khoáng sản đi kèm khi sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản.
Ngoài ra, trong buổi làm việc, còn có những ý kiến về việc xử phạt các đơn vị chưa nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; thủ tục cấp lại cho tổ chức trúng đáu giá quyền khai thác khoáng sản; nên đưa thêm quy định các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm lập báo cáo kết quả thăm dò khi đã được cấp giấy phép.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về xử lý vi phạm hành chính, không có điều, khoản nào cấm sửa Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, do đó, đề xuất của Tổng cục về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định mang tính “nội dung” của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP trong Nghị định không vướng mắc về mặt pháp lý.
Những nội dung đề xuất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và các cán bộ, chuyên viên liên quan đánh giá là cần thiết.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tập hợp, nghiên cứu và phát hiện các điểm chồng lấn, vướng mắc và chưa hoàn thiện của 5 Nghị định gồm: Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bên cạnh đó là Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và 3 Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP; Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, Tổng cục phải đưa những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện nằm ngoài 6 Nghị định và 3 Nghị quyết trên vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản.
Thanh Tùng