Thứ năm, 25/04/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/11/2021 16:00 (GMT+7)

Giải bài toán biến đổi khí hậu với TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Sự đi lên mạnh mẽ cùng với biến đổi khí hậu khiến TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc phát triển bền vững.

Ảnh hưởng nặng nề

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, TP.HCM đã và đang phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như mưa cực đoan nhiều hơn; Lượng mưa dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có xu hướng tăng trong giai đoạn 1980 - 2017 và sự gia tăng lượng mưa sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai với gia tăng dự đoán khoảng 5% - 13%. Vào mùa khô, nắng nóng cũng sẽ kéo dài hơn và thiệt hại về kinh tế sẽ ngày một gia tăng. 

Nghiên cứu của Viện TN&MT cũng cho thấy, TP.HCM chịu tổn thương cao trước những tác động của các hiện tượng cực đoan khí hậu. Nghiên cứu cũng nêu rõ vào năm 2070, TP.HCM sẽ có khoảng 9,2 triệu người bị phơi nhiễm (chịu tác động của biến đổi khí hậu như ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, mưa, bão...), ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 650 tỉ USD.

Một nhóm các nhà khoa học Việt Nam tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận thấy, biến đổi khí hậu khiến cho nước biển dâng và sụt lún đất. Từ đó dẫn tới lụt lội và đang có nhiều tác động tới TP.HCM. 

Giải bài toán biến đổi khí hậu với TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM đang phải gánh chịu nặng nề từ biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Bởi, các siêu đô thị như TP.HCM phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngầm khai thác, cả cho sinh hoạt lẫn sản xuất công nghiệp, do lượng nước mặt không đủ đáp ứng nhu cầu. Việc khai thác nước ngầm ảnh hưởng đến kết cấu đất và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún đất – vốn liên quan chặt chẽ đến tình trạng nước biển dâng.

Tại Hội thảo “Sụt lún đất tại ĐBSCL”, do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ (Đức) diễn ra vào tháng 11/2019 đưa ra thông tin: TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, lưu lượng khai thác 520.000 m3/ngày (tổng lưu lượng khi thác ở ĐBSCL vào khoảng 1,97 triệu m3/ngày), chưa kể còn khoảng trên 1 triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày. 

Kết quả quan trắc thực hiện 10 năm qua của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy, TP.HCM và ĐBSCL lún từ 0,1 đến 81 cm, nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) với 81 cm.

TP.HCM có 65% diện tích thấp hơn mực nước biển 1,5 m và hàng tháng, triều cường cao khoảng 1,4 - 1,7 m. Nếu mực nước biển dâng 2 m thì 45% diện tích có thể bị ngập, trong đó 15,7% thuộc diện tích sản xuất công nghiệp (số liệu năm 2015). Hiện các chuyên gia coi TP.HCM là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất của nước biển dâng.

Đi tìm lời giải

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, Thành phố xem việc ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Chính vì thế, TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong việc xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về khí hậu, thủy văn, tài nguyên môi trường, phục vụ việc giám sát, dự báo, cảnh báo, đề xuất giải pháp ứng phó. Song song đó là các giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nhận được hỗ trợ về công nghệ, tài chính, con người...

Giải bài toán biến đổi khí hậu với TP.HCM - Ảnh 2
TP.HCM cần thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nền kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác hại.

PGS. TS Lê Thị Kim Oanh, Trường Đại học Văn Lang cũng cho rằng, dưới tác động của BĐKH, dân số di cư đến TP.HCM ngày một cao, nhưng nhiều cơ sở hạ tầng ở đây lại chưa đáp ứng nhu cầu. 

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, TP.HCM cần mở rộng, tăng khả năng liên kết vùng đô thị nhằm giãn dân và phối hợp quản lý, xây dựng chính sách hỗ trợ người nhập cư. Với giải pháp kỹ thuật, TP.HCM cần đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

PGS.TS Nguyễn Văn Phước, nguyên Viện trưởng Viện MT&TN cũng từng chia sẻ, TP.HCM cần đặc biệt quan tâm các giải pháp cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Vì chỉ có thích nghi mới tạo nên sự tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường sống liên tục. Các giải pháp hiện nay cũng chỉ mới ở tầm ngắn và trung hạn nên cần tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể. 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM), chúng ta cần chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn để giảm phát thải - kích ứng gây ra biến đổi khí hậu.

“Để giảm phát thải, chúng ta có thể lồng ghép dự án vào các chương trình công của TP.HCM như mua sắm tiêu dùng xanh, trồng cây xanh. Ngoài ra, hiện nay nhiều nơi sản xuất nông nghiệp theo mô hình sinh thái, điều này ngoài việc tạo được những sản phẩm sạch còn có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính. Đối với rác thải, chúng ta có thể biến rác thành tài nguyên như làm phân bón, làm thức ăn cho gia súc…”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.

Nhân Thanh

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán biến đổi khí hậu với TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.