Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với thách thức triều cường
Triều cường ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục đạt đỉnh, nhất là đang vào mùa lũ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, giao thông, sản xuất của người dân.
Nghịch lý "đói lũ" vẫn ngập
Theo thông tin từ Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, mùa lũ khu vực ĐBSCL năm 2021 bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11 thì sẽ kế thúc. Riêng trong tháng 9/2021, lũ ở khu vực này ở mức thấp và biến đổi mạnh theo xu thế của triều cường.
Về lũ đầu nguồn sông Cửu Long, dự báo mực nước cao nhất tháng 9 đạt vào khoảng cuối tuần thứ 3, tại Tân Châu dao động ở mức 2,50 - 2,80 m, Châu Đốc dao động ở mức 2,10 - 2,40 m.
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, lũ năm nay không nhiều, cũng ít ảnh hưởng đến việc thu hoạch phần diện tích còn lại của vụ Hè Thu và diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở ĐBSCL.
Tuy nhiên cần đề phòng những khu vực sản xuất chịu tác động mạnh của thủy triều, cụ thể là vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, đặc biệt là những khu sản xuất có cao trình ô bao thấp, hoặc bị xuống cấp.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hàng năm mực nước triều cường đều lên cao.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, đỉnh triều cường cao nhất ở TP.Cần Thơ từng được ghi nhận năm 2013 ở mức 2,02 m. Tuy nhiên, đến năm 2020 đỉnh triều cường lên đến 2,17 m, vượt mức năm 2013 là 0,15 m. Năm nay, triều cường ở TP.Cần Thơ dự báo tiếp tục lên cao nên công tác ứng phó cần tập trung thực hiện và kịp thời ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, hàng năm triều cường lên cao đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn thành phố bị ngập sâu. "Mỗi khi triều cường dâng cao sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bà con, đặc biệt là đối với vấn đề giao thông đi lại, buôn bán của người dân", ông Ninh cho biết.
Tương tự, các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau..., triều cường kèm theo mưa lớn kéo dài cũng gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề đến việc buôn bán, kinh doanh cũng như sản xuất nông nghiệp.
ĐBSCL đang lún rất nhanh
Tình trạng ngập ở các đô thị thuộc vùng giữa của ÐBSCL đã mang tính quy luật. Nếu như hàng năm con nước giữa và cuối tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch được cho là đợt triều cao nhất trong năm do thủy triều từ Biển Ðông vào gặp nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về gây ngập thì cũng có nhiều nguyên nhân khác khiến tình trạng ngập nặng hơn.
Theo kết quả đo đạc của các nhà khoa học, trong những năm trở lại đây, khu vực ĐBSCL đang lún rất nhanh, với tốc độ trung bình khoảng 1,1 cm/năm, có những nơi đến 2,5 cm/năm.
Đơn cử như tại TP.Cần Thơ, trong vòng 25 năm qua, khu vực này đã sụt lún tích lũy khoảng 20 cm. Vì vậy nếu so sánh thủy triều bây giờ bằng với thủy triều trước đây thì TP.Cần Thơ vẫn ngập sâu hơn khoảng 20 cm do sụt lún.
Một trong những nguyên nhân khiến cho ĐBSCL bị sụt lún nghiêm trọng được PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) chỉ ra là do nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt.
Trong khi đó, các tầng chứa nước ở độ sâu khoảng 120 m bị khai thác nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt, dẫn đến rủi ro cạn kiệt gây sụt lún.
"Hiện trạng tổng lượng nước ngầm khai thác trên 2 triệu m3/ngày được đánh giá là khai thác quá mức, có thể dẫn tới sụt lún ở ĐBSCL, một trong những nguyên nhân khiến những đô thị ngập nặng", PGS.TS Lê Anh Tuấn cho hay.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, việc làm đê bao khép kín đã thu hẹp không gian chứa lũ tại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, cộng với tác động của thủy triều từ Biển Đông gây ra tình trạng ngập tại các đô thị ở đồng bằng. Càng thu hẹp không gian chứa lũ của 2 vùng trên thì lũ càng tràn xuống vùng hạ nguồn.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, hiện tượng ngập tràn cục bộ là do con người đã "cướp mất không gian của nước". Đáng lo ngại là các tác động tiêu cực dẫn đến ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng không chỉ do triều cường mà nó đang chịu tác động tích lũy, liên hoàn do nhiều nguyên nhân, tạo ra "cú đấm hội đồng" lên các đô thị ĐBSCL.
Ông Hiệp cho biết, để khắc phục tình trạng phố ngập, không phải là chi nhiều tiền cho các công trình xây dựng, mà cần khắc phục, thay đổi tư duy về ngập nước. Cần chuyển từ chống ngập triệt để sang điều tiết nước linh hoạt với các tính toán khoa học và thực tế, làm sao rút ngắn được thời gian ngập và mức ngập nông hơn, ít ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt hơn.
Hồ Duy