ĐBSCL: Vắng bóng thương lái dù giá lúa giảm sâu
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, máy gặt đập và thương lái ngoài địa phương không thể vào thu mua khiến việc thu hoạch lúa Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó. Người dân bất lực trước hàng trăm ngàn tấn lúa chưa thể tiêu thụ được dù giá giảm mạnh.
Giá lúa Hè Thu giảm mạnh
Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn tấn lúa vẫn chưa thể tiêu thụ được dù giá giảm mạnh vì nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, tùy giống lúa mà giá bán khác nhau, nhưng nhìn chung đều giảm mạnh từ 300 đến 1.000 đồng/kg.
Vụ lúa Hè Thu 2021, Sóc Trăng gieo trồng khoảng 147.000ha, hiện bắt đầu bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, khâu vận chuyển, đi lại khó khăn nên thương lái hạn chế thu mua khiến giá lúa biến động mạnh.
"Những nông dân, hợp tác xã có ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thì bán được giá tương đối khá, khoảng 5.800 - 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% diện tích lúa ở Sóc Trăng được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu giá", ông Phước nói.
Tại tỉnh Đồng Tháp, thực tế tại các cánh đồng đang thu hoạch cho thấy, năng suất lúa bình quân đầu vụ chỉ ở mức 5 tấn/ha (năng suất chỉ đạt ở mức trung bình). Bất lợi bủa vây, nhưng người trồng lúa vẫn cứ phải... dấn thân.
Ông Nguyễn Văn Diêm (Thanh Bình - Đồng Tháp) chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển: “Giá lúa rớt nhanh quá. Chỉ sau 1 đêm, giá lúa giảm 400 đồng/kg. Mới hôm trước, thương lái đồng ý mua với giá 5.300 - 5.500 đồng/kg lúa (tươi), nhưng qua hôm sau, viện cớ mưa làm ướt lúa, họ đột ngột hạ giá xuống còn 5.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân chỉ huề vốn sản xuất, mất trắng công sức lao động. Còn nếu nông dân thuê đất thì coi như lỗ nặng”.
Ông Nguyễn Văn Kẹm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng: “Thông thường, khi xuống giống được khoảng 1 tháng, thương lái tìm đến chủ ruộng để đặt tiền cọc, nhưng đến nay, lúa gần thu hoạch mọi chuyện vẫn trong im lặng đáng sợ. Đây là dấu hiệu cho thấy, việc tiêu thụ lúa trong thời gian tới sẽ khó cả về sức mua lẫn giá cả”.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đoàn Văn Dự (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết: Vụ lúa hè thu 2021, gia đình gieo sạ 2ha giống Đài Thơm 8, khi lúa gieo sạ được 2 tháng thì thương lái đến hỏi mua với giá 6.000 đồng/kg và được gia đình nhận cọc trước 6 triệu đồng (khoảng 300.000 đồng/công).
Tuy nhiên, đã đến gần thời điểm thu hoạch lúa, gia đình đã nhiều lần chủ động gọi điện thoại liên hệ hẹn ngày gặt nhưng không thể liên hệ được phía thương lái. Ông Dự đã liên hệ một số thương lái quen biết truyền thống trước đây để bán lúa. Tuy nhiên, đều nhận chung một câu trả lời là họ có thể thu mua lúa gống Đài Thơm 8 chỉ với giá 5.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp lúa gạo "khó chồng khó"
Đánh giá về tình hình thu mua lúa Hè Thu, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%, trong khi đó doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện "3 tại chỗ". Sấy lúa, nhà máy xay,… không hoạt động được do phải có test nhanh. Một phần doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới.
Thực tế hiện nay, mặc dù lượng tồn kho còn nhiều nhưng năng lực thu mua của các doanh nghiệp (DN) lúa gạo vẫn còn. Nhiều DN có đơn hàng lớn nhưng không thể tiến hành thu mua được vì địa phương giãn cách xã hội, thương lái không vào được các vùng thu hoạch.
Bên cạnh đó, ngay tại nhà máy, việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng gặp khó khăn khi số lượng nhân công bốc xếp chỉ còn 30-40%. Bên cạnh đó, khó về logistics khiến DN không thể tiến hành các hoạt động thu mua, sản xuất, bao tiêu... Những trở ngại này đặt DN vào tình thế “khó khăn kép”.
Đại diện Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, hiện công ty có 6 điểm thu mua dự trữ, chế biến lương thực đóng trên địa bàn tỉnh. Mặc dù lượng tồn kho hiện tại của công ty là 10.000 tấn, nhưng năng lực thu mua của công ty vẫn còn, nhất là việc đáp ứng các đơn hàng cho tổng công ty.
Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị hiện nay là việc thực hiện “3 tại chỗ”, lượng công nhân bốc xếp tại các nhà máy chỉ còn khoảng 30%. Do vậy, công ty gần như đình lại các khâu thu mua, chế biến vì không có nhân công.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, giá lúa mua vào giảm mạnh do giá gạo thế giới giảm. Lượng lúa tồn kho của các công ty chưa xuất khẩu được rất lớn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà mua vào nữa. Công ty ông đang tồn kho hơn 15.000 tấn lúa do giá thấp quá, không bán được.
Xuất khẩu gạo giảm mạnh do dịch Covid-19
Thời gian qua, do dịch Covid-19 kéo dài khiến việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí giá gạo xuất khẩu đã giảm mạnh xuống còn 385 USD/tấn với gạo 5% tấm và là mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm trở lại đây.
Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 là 390 USD/tấn.
Trong khi hầu hết các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu trong 7 tháng năm nay đều tăng trưởng thì xuất khẩu gạo lại tiếp tục giảm. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đến hết tháng 7/2021 Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỉ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việc xuất khẩu sụt giảm do tác động của dịch bệnh cũng như căng thẳng cước tàu biển kéo dài.
Theo thông tin của Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè Thu 2021, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có kế hoạch gieo cấy là hơn 1,52 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 5,62 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 8,55 triệu tấn, tăng 92.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên trên thực tế, diện tích gieo cấy, đặc biệt là sản lượng, giá trị thu hoạch đều giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nguyễn Luận (T/h)