Giá vận tải không dám tăng theo giá xăng dầu
Nhiều doanh nghiệp vận tài hành khách khu vực phía Nam dù đang chịu thêm sức ép từ việc xăng dầu tăng giá nhưng cũng không giám tăng giá vé để kích thích người dân du lịch trở lại.
Ngày 16/2, thị trường xăng dầu trong nước ghi nhận giá xăng RON95 ở mức 25.322 đồng/lít, dầu Diesel chạm ngưỡng 19.865 đồng/lít, cao nhất trong 9 năm qua. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách chịu thêm gánh nặng khi phải bỏ thêm chi phí trong bối cảnh dịch bệnh vốn đã ít người có nhu cầu di chuyển.
Anh Nguyễn Hồng Thắng – Chủ một doanh nghiệp xe khách chạy tuyến TP.HCM – Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, dù giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh trong những ngày gần đây nhưng nhà xe vẫn chưa dám tăng giá vé bởi lo sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại hành khách.
“Chi phí cầu đường, bến bãi liên tục tăng trong khi dịch bệnh gần 2 năm qua khiến lượng khách đi lại giảm sút nghiêm trọng. Từ ngoài Tết, lượng người di chuyển có tăng nhưng cũng không dám nâng giá vé bởi lo ngại khách chọn phương tiện khác.
Đến bây giờ, xăng dầu tăng giá mạnh thì chủ nhà xe như chúng tôi lại càng chịu thêm sức ép, tăng chi phí vận chuyển. Mặc dù vậy, hiện tôi chưa có chủ trương tăng giá vé vì Nhà nước đang có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch. Nếu tăng vào thời điểm này sợ rằng sẽ tác động tới tâm lý đi lại người dân”, anh Thắng nói.
Anh Thắng cũng cho biết, hiện có một số doanh nghiệp vận tải hành khách khu vực phía Nam đang ngỏ ý đề xuất tăng giá vé thêm 10% so với khung giá hiện hành để bù lại vào giá xăng dầu, cầu đường, bến bãi…
Ông Bùi Văn Khánh – lái xe khách liên tỉnh TP. Cần Thơ – An Giang cho hay, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, lượng khách đi lại trên tuyến xe giảm từ 60 – 70%. Vì thế, ông Khánh chỉ còn lái 2 chuyến đi, về/ngày thay vì 4 chuyến như trước.
Những ngày vừa qua lượng khách đi lại có đông hơn nhưng ông Khánh lại phải chịu thêm gần 300.000 đồng/chuyến vì giá dầu tăng cao. Tính bài toán kinh tế, ông Khánh cho biết, dù khách có tăng nhưng lợi nhuận thậm chí còn thấp hơn so với trước bởi phải bù vào tiền dầu tăng giá.
Ông Lê Minh Thể, Phó giám đốc hợp tác xã Vận tải thủy bộ Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ đơn vị hiện quản lý 89 phương tiện tuyến cố định và 130 phương tiện hợp đồng. Đến nay, các tuyến đường dài liên tỉnh rất vắng khách, còn nội tỉnh chỉ hoạt động cầm chừng, lượng khách cao điểm mới được hơn 50% số ghế. Thống kê hoạt động của đơn vị giảm mạnh ở cả 3 mặt: Số phương tiện hoạt động, số khách và doanh thu. Cộng thêm việc xăng dầu tăng giá, ông Thể khẳng định, hoạt động vận tải hành khách hiện nay gần như toàn bộ đều lâm vào cảnh bù lỗ hàng ngày.
“Giá xăng dầu hiện tăng 25% so với giá nhiên liệu trước đó đơn vị xây dựng giá vé, ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị do lượng khách hiện nay không có nên không thể bù đắp được chi phí hoạt động của mỗi chuyến xe hằng ngày được. Lúc này các tuyến cố định của đơn vị hoạt động từ lỗ đến hòa vốn”, ông Thể nói.
Trước đây, giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động vận tải, thì nay sau khi tăng giá đã chiếm đến 50% tổng chi phí. Ông Tô Hoàng Tâm, chủ xe khách tuyến Rạch Giá – Hà Tiên (Kiên Giang) đang hết sức lo lắng bởi vì kể từ gần 3 năm nay, tuyến Rạch Giá – Hà Tiên vẫn duy trì 45.000 đồng/vé. Đây là mức giá tính theo thời điểm giá xăng dầu chỉ khoảng 16.000 đồng/lít. Hiện tại, bình quân 1 chuyến, ông Tâm phải bỏ thêm 150.000 tiền dầu, nếu cứ giữ nguyên giá vé, thì mỗi ngày ông bù lỗ không dưới 500.000 đồng.
“Hồi trước giá dầu 14.000-15.000 đồng, giá vé cũng 45.000, bây giờ giá dầu hơn 20.000, giá vé cũng 45.000, số lượng khách ngày càng giảm, dầu ngày càng tăng, chạy giờ không sống nổi”, ông Tâm chia sẻ.
Lo ngại lạm phát gia tăng
Tờ VOV dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
“Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
“Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng”, ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo.
Nguyễn Thu