Nỗi lo lạm phát ăn mòn tăng trưởng khi giá xăng dầu liên tục tăng
Giá dầu thế giới tiến sát mốc 100 USD/ thùng ở phiên 15/2. Chỉ 2 năm về trước, hợp đồng tương lai dầu có thời điểm xuống rất sâu dưới ngưỡng 0 USD. PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định, giá xăng dầu tăng chắc chắn làm tăng áp lực lạm phát trong nước.
Khi giá dầu tiến sát ngưỡng 90 USD/ thùng chỉ 1 tháng trước đây, các nhà phân tích phố Wall đã từng tin chắc phải đến nửa cuối năm nay, giá dầu mới phá mốc 100 USD/ thùng.
Nhà phân tích hàng hóa kỳ cựu Martijn Rats của Morgan Stanley từng nâng dự báo giá dầu từ mức 90 USD lên mức khoảng 100 USD/ thùng trở lên vào cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023.
Ông Martijn Rats lý giải: “Nếu giá dầu Brent giữ ở mức 88 USD/ thùng như hiện tại, chi tiêu cho dầu mỏ sẽ vào khoảng 3,5% GDP toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, chi tiêu bình quân cho dầu mỏ đã ở mức khoảng 4,5% liên tục trong giai đoạn 2011-2014 (khi nền kinh tế phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009). Để đạt được tỷ lệ tương tự một lần nữa, giá dầu Brent sẽ cần phải tăng lên khoảng 110 USD/ thùng”.
Tương tự, Goldman Sachs nhận định giá dầu ở mức khoảng 100 USD/ thùng vào quý III/2022.
Ở một kịch bản táo bạo hơn, nhà phân tích Francisco Blanch của Bank of America nhận định giá dầu Brent sẽ đạt 120 USD/thùng vào giữa năm nay trước khi giảm trở lại mức 80 USD/ thùng vào cuối năm do đồng USD mạnh lên trong kịch bản FED “diều hâu”.
Nhưng ít ai ngờ, chỉ 1 tháng sau đó, giá dầu lần đầu tiên trong 8 năm tiến sát ngưỡng 100 USD, sớm hơn rất nhiều so với dự báo của các nhà phân tích phố Wall.
Vào thời điểm 12 giờ trưa 15/2 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ đạt 94,74 USD/ thùng trong khi giá dầu Brent chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 95,82 USD/ thùng. Có thời điểm, giá dầu WTI phá mốc 95 USD trong khi giá dầu Brent cũng vọt lên 96,3 USD/ thùng.
Ngược trở lại một năm về trước, giá dầu WTI ngày 15/2/2021 ở mức 59,47 USD/ thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 63,3 USD/ thùng. Tức trong 1 năm qua, giá dầu WTI đã tăng dựng đứng 59% trong khi giá dầu Brent leo dốc 51,4%.
Hai năm về trước, hợp đồng tương lai dầu có thời điểm xuống rất sâu dưới ngưỡng 0.
Cần nói thêm rằng dầu, than đá và khí đốt tự nhiên hiện cung cấp hơn 80% cung năng lượng cho sự vận hành của nền kinh tế toàn cầu. Khi giá dầu tăng vọt hướng thẳng lên ngưỡng 100 USD/ thùng trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine đe dọa gây thêm áp lực lên nguồn cung dầu, kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ nhận đòn giáng kép: lạm phát tăng, triển vọng tăng trưởng giảm tốc.
Không phải là ngoại lệ, kinh tế Việt Nam cũng chịu sức ép tương tự khi giá xăng dầu liên tục tăng những ngày qua.
Áp lực lạm phát toàn cầu mạnh nhất trong nhiều thập kỷ
Bỏ qua việc các nhà xuất khẩu năng lượng hưởng lợi từ sự bùng nổ giá dầu, phần còn lại của nền kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực. Nhà sản xuất sẽ chứng kiến chi phí sản xuất leo thang đáng kể, và như một hệ quả, áp lực giá này ít nhiều sẽ chuyển lên vai người tiêu dùng thông qua mức tăng giá hàng hóa.
Giá dầu 100 USD/ thùng là kịch bản đáng quan ngại với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và cả các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu khác khi các quan chức tiền tệ thế giới dấn thân vào cuộc chiến chống lạm phát đầy cam go. Mục tiêu là vừa đưa lạm phát kỷ lục trở lại mức mục tiêu, vừa không làm lệch hướng đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo kết quả mô hình Shok được thực hiện bởi Bloomberg Economics, kịch bản giá dầu thô tăng từ mức 70 USD/ thùng vào cuối năm 2021 lên 100 USD/ thùng vào cuối tháng 2/2022 sẽ đưa lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm.
Trong một cảnh báo “khốc liệt” hơn, JP.Morgan Chase & Co. cho rằng kịch bản giá dầu 150 USD/ thùng gần như sẽ chặn đứng đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đưa lạm phát thế giới lên tới hơn 7%, tức gấp hơn 3 lần mức lạm phát mục tiêu mà một số ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như FED, ECB, BOE nhắm tới.
Ngay cả tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất hành tinh, dù lạm phát đến nay vẫn duy trì ở mức ổn định nhưng chi phí sản xuất đã tăng lên cao do giá nguyên liệu đầu vào cao, có nguy cơ làm tổn thương nhà sản xuất và gây áp lực tăng giá trong dài hạn.
Trong khi đó, tại Mỹ, thị trường dự báo có khả năng cao là FED sẽ tăng lãi suất 0,5% ngay trong cuộc họp tháng 3 tới khi giá dầu tăng mạnh.
Tại Anh, Thống đốc BOE Andrew Bailey giải thích sức ép từ giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu là nguyên nhân khiến ngân hàng trung ương đưa ra các quyết định tăng lãi suất trong thời gian qua.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây cũng cho hay các quan chức sẽ giám sát chặt chẽ tình hình giá năng lượng cũng như tác động của nó đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trước đó, ECB đã báo hiệu việc chuyển hướng chính sách tiền tệ sang thắt chặt.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cuối tuần trước cũng đánh giá nguy cơ giá dầu tăng là rủi ro lớn với nền kinh tế.
Cựu quan chức lâu năm của FED đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank AG, ông Peter Hooper chỉ ra một quan ngại lớn hơn: “Cú sốc dầu đang kích phát vấn đề lạm phát nóng lên, dẫn đến khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể”.
Trong một ước tính cụ thể hơn, nhà nghiên cứu Priyanka Kishore từ Oxford Economics cho rằng: “Giá dầu tiếp tục tăng nhanh có thể làm tăng rủi ro tạo ra những tiền đề cho một cuộc suy thoái ở một số quốc gia, đặc biệt nếu chính sách tài khóa cũng đang trong lộ trình thắt chặt đáng kể. Dầu tăng giá khoảng 10 USD/ thùng sẽ thổi bay khoảng 0,2% điểm phần trăm tăng trưởng GDP của thế giới”.
Biểu đồ dưới đây thể hiện dự báo của IMF về tăng trưởng GDP toàn cầu trước khi giá dầu tăng mạnh do căng thẳng Nga - Ukraine. Trong kịch bản của IMF, tăng trưởng năm 2022-2023 của thế giới ở mức vừa phải.
Trở lại với dự báo của Goldman Sachs, nhóm nghiên cứu tập đoàn này cho rằng trong kịch bản giá dầu lên mức 100 USD/ thùng vào quý III, hầu hết các nền kinh tế mới nổi sẽ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực.
Tác động đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tất yếu
Trong nước, chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp. Sáng 15/2, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường được niêm yết như sau: xăng E5 RON 92 không vượt 24.571 đồng/lít, xăng RON 95 không vượt 25.322 đồng/lít, dầu diesel không vượt 19.865 đồng/lít, dầu hỏa không vượt 18.751 đồng/lít và dầu mazut không vượt 17.659 đồng/kg.
Tình hình giá xăng dầu tăng cao theo diễn biến giá quốc tế không chỉ có nguy cơ làm giảm hiệu quả một số gói chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ vừa ban hành, đặc biệt là chương trình giảm thuế VAT 2% nhằm kích cầu tiêu dùng; mà còn làm tăng áp lực kiểm soát lạm phát và gây sức ép cho tăng trưởng kinh tế trong nước.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay: “Yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa”.
Theo ông Long, giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến mặt bằng giá chung tăng, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.
Ông Long cho rằng: “Khi giá dầu tăng ảnh hưởng đến lạm phát là tất yếu rồi. Hiện giá dầu mấp mé 100 USD/ thùng, có thời điểm là 95-96 USD/ thùng, thì chắc chắn áp lực lên lạm phát thế giới nói chung và lạm phát ở Việt Nam là có. Tất nhiên trước đó Chính phủ có nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát và cũng đưa ra nhiều cảnh báo về áp lực lạm phát năm nay lên cao”.
Tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. “Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực”, PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay.
“Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực rồi”.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế từ Học viện Tài chính - cũng cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng mạnh đang gây sức ép lớn đến mặt bằng giá trong nền kinh tế, đặc biệt là giá những nhóm hàng hóa sử dụng xăng dầu là đầu vào trực tiếp cho sản xuất.
Theo nhận định của vị PGS. TS, giá xăng dầu tăng cao theo đà tăng thế giới có ảnh hưởng nhất định tới đà phục hồi kinh tế. Do đó, cần có biện pháp đảm bảo chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước để tránh những ảnh hưởng như liên tục điều hành giá xăng dầu, chẳng hạn như xây dựng kho dữ liệu xăng dầu, kho dự trữ xăng dầu quốc gia mạnh mẽ; Minh bạch hóa thị trường xăng dầu để bình ổn giá và đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.
Bùi Hằng (T/h)