Gia hạn thuế phải "trúng" doanh nghiệp thực sự khó khăn do đại dịch
Trong trường hợp các nghị định gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất được ban hành, tổng số tiền được gia hạn ước khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải phải "trúng" doanh nghiệp thực sự khó khăn do đại dịch.
Gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất hơn 132.000 tỷ đồng
Tại diễn đàn đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, Bộ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ. Dự kiến năm 2022, giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64.000 tỷ đồng.
Nói về gói hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: "Gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong 2 năm nên đòi hỏi các công trình đầu tư công phải được thực hiện nhanh trong bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên. Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh, thành phố phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hằng tháng để doanh nghiệp (DN) đỡ thiệt thòi, thực hiện dự án nhanh".
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Phớc, DN cần nhất là thị trường, vốn, lao động, cơ sở hạ tầng và cởi mở thủ tục hành chính. Với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác, Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng đồng hành với DN để tháo gỡ các vướng mắc trong những vấn đề vừa nêu.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tại diễn đàn thông tin, cơ quan này đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Dự kiến 2 nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 4. Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng.
"Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với DN, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng", ông Minh cho hay.
Góp ý chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân đang đối mặt, tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ DN, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2020. Đến nay, Chính phủ tiếp tục ban hành một loạt chính sách về thuế nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung
Các nghị định mới về thuế dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dự kiến ban hành nhằm tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2022 và thời gian tiếp theo. Dự kiến văn bản sẽ tác động tới hoạt động liên quan đến thuế của các DN trong hầu hết tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh.
Góp ý Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, luật sư Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty Luật Aladin, cho rằng, nên mở rộng đối tượng áp dụng, xét theo khía cạnh lĩnh vực cũng như quy mô DN.
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định về đối tượng áp dụng chỉ trên 2 lĩnh vực: Sản xuất và kinh doanh – "DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh trong một số ngành kinh tế".
Mặt khác, ông Bình cho rằng, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ là một hoạt động không thể thiếu của hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là lĩnh vực chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch, do đó, rất cần hỗ trợ bình đẳng như các lĩnh vực khác. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ diện rộng chưa được dự thảo đề cập tới. Trong dự thảo chỉ đề cập hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp các loại thuế cho "Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng".
Về quy mô, luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần bổ sung sự hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế cho loại hình DN vừa. Bởi lẽ các DN vừa ở Việt Nam đóng một vai trò quan trọng cơ cấu DN trong nước.
Bà Trần Thị Thanh Thư, đại diện cho Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam cùng quan điểm cho rằng, trên thực tế, có những DN chỉ có số lao động nhỉnh hơn một vài người theo quy định nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề, kinh doanh đình trệ, giảm sút vì đại dịch Covid-19 và doanh thu ở mức báo động, thì lại không được áp dụng nghị định để xin gia hạn thuế.
Vì vậy, nên điều chỉnh lại đối tượng tại khoản 4 Điều 3 theo hướng chỉ tập trung vào những chỉ tiêu thể hiện DN đang gặp khó khăn như: Đưa ra mức doanh thu hoặc lợi nhuận cụ thể (ví dụ 1-2 tỷ đồng); hoặc mức giảm hay tỉ lệ giảm doanh thu so với trung bình doanh thu trong 3 năm trước khi diễn ra dịch Covid-19 từ 2015-2018 để nâng cao tính áp dụng thực tiễn và nhằm hỗ trợ những DN thật sự đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cũng như để phục hồi nền kinh tế.
Về thời gia hạn nộp thuế GTGT, bà Thư cũng cho rằng chưa thật sự hợp lý. Vì việc việc gia hạn cộng dồn dễ dẫn đến tình trạng các đối tượng nếu áp dụng hết thời hạn gia hạn thì có khả năng phải nộp một lần cho tổng số thuế của tất cả các kỳ vào thời điểm cuối cùng được áp dụng theo Nghị định, nếu dịch vẫn "căng" thì không thực sự đáp ứng hiệu quả về mặt hỗ trợ kinh tế. Do đó, nên điều chỉnh theo hướng thời hạn gia hạn với số thuế nộp mỗi tháng là x tháng và số thuế nộp mỗi quý là x tháng (ví dụ: Thời hạn gia hạn với số thuế nộp mỗi tháng là 3 tháng và số thuế nộp mỗi quý là 4 tháng).
Về việc quy định cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước, bà Thư phân tích: Điều này chưa thật sự phù hợp. Không phải bất cứ người nộp thuế nào cũng am hiểu tường tận pháp luật, nhất là đối với cá nhân. Họ cần được biết quyền lợi của họ trong việc gia hạn nộp thuế này.
Nếu vì không được chấp nhận Giấy đề nghị nộp sau cùng cho tất cả các kỳ phát sinh trước thì người nộp thuế còn phải chịu thêm khoản tiền phạt chậm nộp. Các đối tượng gia hạn cần được biết họ có được chấp nhận gia hạn hay không để thực hiện nghĩa vụ của mình đúng quy định…
Bà Thư gói ý: "Cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản trực tiếp hoặc thông qua cổng thông tin điện tử cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước của người nộp thuế".
Các đối tượng đủ điều kiện gia hạn nộp thuế được quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/ NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Trong trường hợp 2 nghị định này được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng.
Khoản gia gạn này giúp doanh nghiệp cá nhân có thêm nguồn tài chính, hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bùi Hằng