Thứ sáu, 19/04/2024 14:46 (GMT+7)
Thứ tư, 05/04/2023 15:50 (GMT+7)

Giá điện liệu có tăng trong thời gian tới?

Theo dõi KTMT trên

Việc điều chỉnh giá điện năm 2023 căn cứ vào nhiều yếu tố như đầu vào, tình hình tài chính của EVN, vĩ mô, lạm phát. Ngoài ra, việc tăng giá điện phải báo cáo Thủ tướng xem xét, tùy theo mức điều chỉnh, sẽ thuộc thẩm quyền của các đơn vị khác nhau.

Lỗ kỷ lục, EVN đề xuất tăng giá điện

Mới đây Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh áp dụng từ 3/2019 đến nay, EVN lỗ 167,82 đồng/kWh điện bán ra trong năm 2022. Kết quả công bố của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tập đoàn này lỗ tới 36.294 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. 

Theo đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác) - mức lỗ lớn nhất trong lịch sử.

Trước những khó khăn về tài chính của EVN trong giai đoạn 2022-2023 khi dự kiến lỗ luỹ kế lên tới 93.000 tỷ đồng, việc cân đối tài chính của EVN rất khó khăn. 

Do đó, EVN đã đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ phương án tăng giá điện để bù đắp các chi phí và các hợp đồng tín dụng tránh bị liệt vào diện nợ xấu. 

Giá điện liệu có tăng trong thời gian tới? - Ảnh 1
Trước những khó khăn về tài chính trong giai đoạn 2022-2023, EVN đề xuất phương án tăng giá điện để bù đắp các chi phí và các hợp đồng tín dụng tránh bị liệt vào diện nợ xấu. 

“Năm 2022, EVN đã đề ra và triệt để thực hiện các giải pháp quản trị, quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm chi phí, vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện... nhưng chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao. Chỉ số giá than, khí, dầu, đặc biệt than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần… Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí sản xuất điện tăng cao”, ông ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho hay.

Cân nhắc kỹ phương án tăng giá điện

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. 

Theo đó, từ ngày 3/2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu và tối đa từ 1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh. So với mức giá bình quân cũ theo Quyết định 34/2017 là từ 1.606,19 - 1.906,42 đồng/kWh, khung giá bán lẻ điện mới tăng từ 220 - 538 đồng/kWh. Đây sẽ là khung giá để EVN và Bộ Công Thương căn cứ vào để đưa ra các phương án tăng giá điện, sau khi EVN hoàn thành việc tính toán chi phí sản xuất điện trong năm 2022.

Như vậy, ở mức tăng tối thiểu, khung giá bán lẻ điện mới tăng khoảng 13,7%, mức tăng tối đa tăng đến 28,2%. Hiện tại, giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân áp dụng cho người dân và doanh nghiệp là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và được áp dụng từ năm 2019 đến nay.

Trong khi đó, năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân theo tính toán của EVN phải cao hơn 2,74% so với giá bình quân được áp dụng từ 2019, từ 1.864,44 đồng lên 1.915,69 đồng/kWh. Dự kiến, điện thương phẩm trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 251,28 tỷ kWh, tăng 9 tỷ kWh so với năm 2022.

Liên quan đến việc tăng giá điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào.

Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.

Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá điện năm 2023 căn cứ vào nhiều yếu tố như yếu tố đầu vào, tình hình tài chính của EVN, vĩ mô, lạm phát. Việc tăng giá điện phải báo cáo Thủ tướng xem xét, tùy theo mức điều chỉnh, sẽ thuộc thẩm quyền của các đơn vị khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam , tính toán với giá bán lẻ bình quân mới, thì mức giá điện sinh hoạt và sản xuất có thể sẽ tăng hơn 3%, thậm chí cao hơn.

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán, với tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, cộng với mục tiêu giữ lạm phát dưới 4,5%, chắc chắn phương án tăng giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc rất kỹ. Việc tăng giá điện trên 10% có thể sẽ cần cân nhắc kỹ càng trước khi tính toán và rất có thể con số tăng giá điện dưới 10% sẽ khả thi hơn, đảm bảo nhiều mục tiêu trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Trong 10 năm qua (giai đoạn 2009 - 2019), giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng. Cụ thể, năm 2009 giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đồng/kWh, sau đó tăng lên 1.058 đồng/kWh vào năm 2010.

Năm 2011, giá điện tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.220 đồng/kWh. Cũng trong năm 2011, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.220 đồng/kWh lên 1.304 đồng/kWh.

Năm 2012, tăng lên 1.369 đồng/kWh (lần 1) và tăng lên 1.437 đồng/kWh (lần 2). Và tăng tiếp lên 1.720 đồng/kWh vào năm 2018; lên tới 1.864 đồng/kWh vào năm 2019.

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Giá điện liệu có tăng trong thời gian tới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .